Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng thông qua nhiều chủ trương, chính sách quan trọng

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- HĐND TP Đà Nẵng xem xét, thảo luận, bàn bạc và thông qua 8 tờ trình, dự thảo nghị quyết về các chủ trương, chính sách quan trọng. Đây là căn cứ pháp lý để UBND TP tiếp tục triển khai thực hiện.

Sáng 21/9, HĐND TP Đà Nẵng tiến hành Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề) nghe báo cáo kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND TP khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 bầu và cho ý kiến về các tờ trình của UBND TP.

Cụ thể, HĐND TP Đà Nẵng sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2023 đối với 26 người giữ các chức vụ do HĐND TP bầu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Thường trực HĐND trình HĐND thành phố bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, kỳ họp lần này xem xét, thảo luận, bàn bạc và thông qua 8 tờ trình, dự thảo nghị quyết về các chủ trương, chính sách quan trọng.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, kỳ họp lần này xem xét, thảo luận, bàn bạc và thông qua 8 tờ trình, dự thảo nghị quyết về các chủ trương, chính sách quan trọng.

Theo Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết, lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND TP, đồng thời giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

“Lấy phiếu tín nhiệm là dịp để các đại biểu thực hiện quyền giám sát đánh giá tín nhiệm. Người được lấy phiếu tín nhiệm phải làm thủ tục liên quan trước 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp thường lệ. Danh sách lấy phiếu tín nhiệm là do Thường trực HĐND dự kiến. Danh sách chính thức đưa ra tại kỳ họp thường lệ là sẽ thực hiện theo quy trình và trước kỳ họp sẽ có thảo luận biểu quyết chốt lại danh sách để lấy phiếu tín nhiệm”, ông Triết cho biết.

Cũng theo ông Triết, tại kỳ họp, HĐND TP Đà Nẵng xem xét, thảo luận, bàn bạc và thông qua 8 tờ trình và dự thảo nghị quyết về các chủ trương, chính sách quan trọng, là căn cứ pháp lý để UBND TP tiếp tục triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian đến.

Cụ thể gồm 3 tờ trình trên lĩnh vực kinh tế ngân sách, 1 tờ trình trên lĩnh vực pháp chế và 4 tờ trình trên lĩnh vực đô thị; trong đó có thông qua chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng và cho ý kiến về quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây TP.

Theo đó, các tờ trình trên lĩnh vực kinh tế ngân sách gồm: tờ trình về kinh phí thực hiện công tác quản lý, vận hành Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà - giai đoạn 1 trong thời gian 5 năm; tờ trình quy định định mức lập dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn; tờ trình quy định mức chi đảm bảo công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn; tờ trình lĩnh vực pháp chế về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo văn bằng đại học thứ hai ngành Luật đối với cán bộ, công chức, viên chức TP Đà Nẵng.

Các tờ trình trên lĩnh vực đô thị gồm: tờ trình về chủ trương đầu tư dự án Hiện đại hóa Trung tâm chỉ huy kết hợp hệ thống camera phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự giao thông và các phần mềm quản lý thông minh (giai đoạn 1); tờ trình về chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại Đà Nẵng; tờ trình về chủ trương đầu tư dự án Cải tạo hệ thống thoát nước và hạ ngầm cáp thông tin, điện chiếu sáng trên tuyến đường Hùng Vương và đường Lý Thái Tổ; tờ trình về đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây khu vực phường Hòa Hiệp Bắc, tỷ lệ 1/2000.