Kể từ chính biến ngày 1/2 khi quân đội lên nắm quyền, Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn với nền kinh tế tê liệt. Theo một nhóm giám sát địa phương, hơn 800 người đã thiệt mạng do trấn áp của chính quyền khi tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính biến.
Erywan Pehin Yusof, Bộ trưởng (thứ hai ) Bộ Ngoại giao của Brunei và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã đến thủ đô Naypwidaw vào cuối ngày 3/6, theo một quan chức cấp cao giấu tên của Myanmar, chia sẻ với AFP.
Dự kiến các đặc phái viên gặp Thống tướng Min Aung Hlaing vào sáng nay (4/6), quan chức này cho biết. Nhóm thông tin của lực lượng quân đội Myanmar chia sẻ báo giới hôm 3/6 rằng sẽ sớm "tiết lộ" thêm thông tin về các cuộc họp.
AFP nhận định, ASEAN đã dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar, trong bối cảnh EU và Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh của nước này.
Hiện, vẫn chưa rõ liệu các đặc phái viên ASEAN có gặp gỡ các thành viên của chính phủ được thành lập bởi các nhà lập pháp bị lật đổ - chủ yếu từ Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).
Thống tướng Min Aung Hlaing đã tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN hôm 24/4 diễn ra tại Jakarta, Indonesia - chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền.
Kết thúc Hội nghị, Brunei- nước Chủ tịch đã ra Tuyên bố Chủ tịch trong đó có "đồng thuận 5 điểm" kêu gọi "chấm dứt bạo lực ngay lập tức" và chuyến thăm Myanmar của đặc phái viên khu vực.
Tuy nhiên, sau đó vào hôm 27/4,Thống tướng Min Aung Hlaing khẳng định, quân đội sẽ xem xét các đề xuất của ASEAN bao gồm 5 điểm đồng thuận "sau khi ổn định đất nước". Bạo lực hiện vẫn tiếp diễn ở Myanmar.