Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại án tham nhũng tại Vinashinlines: Làm rõ hành vi phạm tội của Giang Kim Đạt

Bài, ảnh: Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/2, phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án tham nhũng hàng trăm tỷ đồng tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) bước sang ngày làm việc thứ 2.

Tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tập trung thẩm vấn để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh của Vinashinlines. Theo đó, HĐXX đã cho cách ly các bị cáo trước khi thẩm vấn.
 Bị cáo Giang Kim Đạt tại phiên tòa
Tại phiên tòa, bị cáo Đạt cho biết, cáo trạng truy tố không đúng vì số tiền mà bản thân nhận không phải hoa hồng mà là lệ phí môi giới. Theo trình bày, Đạt làm việc tại Vinashinlines từ năm 2006 và do liên quan đến vụ án xảy ra tại Vinashin khi mua bán tàu Hoa Sen nên đã bỏ trốn. Tại Vinsashinlines, thời kỳ đầu Đạt làm trợ lý giám đốc sau đó được bổ nhiệm làm quyền trưởng phòng kinh doanh. Công việc chủ yếu của Đạt tập trung vào mua bán và khai thác quản lý tàu biển. Thời gian làm việc, Đạt đã liên hệ và mua bán được 8 tàu.
Theo cáo trạng truy tố, tháng 7/2006, Trần Văn Liêm - nguyên Tổng Giám đốc Vinashinlines đã ký hợp đồng mua 3 tàu (Vinashin Summer, Vinashin Phoenix, Vinashin Island) và các bị cáo đã hưởng lợi hoa hồng hơn 711.000 USD. Đối với cáo buộc này, bị cáo Đạt cho rằng, theo thông lệ quốc tế, lệ phí công ty môi giới được hưởng 1 - 5,75% tùy theo thỏa thuận. Khoản tiền Đạt được hưởng là do bên môi giới thưởng cho bị cáo và được trích từ khoản lệ phí nói trên.

Bên cạnh đó, khi trả lời câu hỏi của HĐXX về bản chất của khoản tiền mà mình nhận từ bên môi giới là gì? Bị cáo Đạt cho hay, đó là tiền hoa hồng của công ty môi giới và đây nguồn tiền hợp pháp. Ngoài ra, Đạt cũng khai nhận, việc được trích hoa hồng bị cáo này không báo cáo Liêm. Cụ thể, sau khi bên môi giới chuyển tiền, Đạt chỉ đưa cho Liêm 150.000 USD vì nghĩ rằng đó là tiền người ta cho mình...

Trước lời khai này, HĐXX đã cho công bố một số bút lục lời khai và bản tự khai của bị cáo Đạt tại Cơ quan điều tra. Tại những lời khai này thể hiện việc Đạt đổ hết tội cho bị cáo Liêm. Tuy nhiên, Đạt cho hay, tại Cơ quan điều tra, bị cáo bị dọa dẫm, mớm cung và bức cung. Còn với những công ty môi giới mua bán tàu, Đạt khai đây là những công ty bị cáo tự tìm, tự liên hệ.

Trong một diễn biến khác, tại phiên tòa ngày 17/2, luật sư Phan Trung Hoài tập trung xét hỏi Đạt để làm rõ vấn đề bị cáo này có đáp ứng các điều kiện của chủ thể tội tham ô tài sản hay không? Theo luật sư Hoài, chủ thể của tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ, quyền hạn. Trong khi đó, tại phiên tòa Đạt khai nhận, trước khi vào Vinashinlines, bị cáo này làm đại lý chuyên môi giới kinh doanh hàng hải. Sau đó, Đạt ra Hà Nội làm theo “lời mời” của bị cáo Liêm.

Cụ thể, tháng 2/2006, Đạt ra Hà Nội làm việc với chức danh trợ lý giám đốc và không được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm. Lý giải về việc này, bị cáo Đạt cho biết, bản thân không có bằng đại học thì làm sao có thể ký hợp đồng được với Vinashinlines. Ngoài ra, trong hơn 2 năm (từ tháng 2/2006 - 5/2008), Đạt ba lần vào làm tại Vinashinlines rồi sau đó lại nghỉ việc. Tuy nhiên, Đạt khẳng định, không đặt bút ký bất cứ hợp đồng lao động nào với Vinashinlines.

Liên quan đến vấn đề này, Đạt cho biết thêm, tháng 4/2008, bị cáo có quay lại làm việc tại Vinashinlines nhưng không có mặt tại công ty vì được Liêm nhờ sang Anh và Trung Quốc đàm phán về việc tàu của công ty bị bắt giữ. Trong thời gian này, Đạt có quyết định làm cố vấn của tổng giám đốc công ty với mục đích giải quyết việc con tàu bị bắt giữ. Sau khi giải quyết xong công việc và quay lại công ty vào tháng 5/2008, Đạt được bổ nhiệm làm quyền trưởng phòng kinh doanh nhưng không làm gì cho Vinashinlines, không có bất kỳ chế độ chính sách nào. Ngoài ra, Đạt cũng khai, khi mua hai con tàu đầu tiên bị cáo này tham gia với tư cách cán bộ Phòng khai thác 2 chứ không phải quyền trưởng phòng kinh doanh của Vinashinlines…