Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội đề nghị đặc biệt quan tâm đến người lao động khi khôi phục kinh tế

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 8/11, Quốc hội khóa XV thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2022. Là người đầu tiên phát biểu, ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) đã nêu ba bài học được rút ra sau hai năm phòng, chống dịch.

Đại dịch đã và đang là thách thức

Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Trần Văn Khải  (Hà Nam) đánh giá cao công tác phòng chống dịch thời gian qua và nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục là một thách thức đặc biệt với dân tộc chúng ta và thế giới.
 ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam). Ảnh: VGP
Theo ĐB Khải, có ba bài học được rút ra sau hai năm chống dịch. Thứ nhất, cuộc chiến với đại dịch là một hành trình đầy thách thức, khắc nghiệt và khó lường, đòi hỏi phải quyết liệt trong từng hành động, sự cầu thị và quả cảm trong thay đổi nhận thức, tư duy.
Thứ hai, cuộc chiến này dù khắc nghiệt đến đâu sẽ không cho đất nước Việt Nam bị tê liệt, chia rẽ. Trái lại, nó còn làm chúng ta mạnh lên rất nhiều về tư duy nhận thức, tầm nhìn và ý chí chiến lược. 
Thứ ba, Nhân dân luôn là lực lượng chủ đạo trong phòng, chống đại dịch Covid-19 cũng như ứng phó với mọi thách thức mà đất nước gặp phải.
Để phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới, ĐB Khải đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo một số giải pháp đối với lực lượng công nhân.
ĐB Khải phân tích, giai đoạn giãn cách vừa qua, chúng ta quan tâm nhiều tác động về khía cạnh kinh tế nhưng hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng. Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra và sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục.
Với lao động đã về quê, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn trước đây trong môi trường an toàn. ĐB Khải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ kết nối cung - cầu mà còn hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống...
Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.
ĐB Trần Văn Khải đề xuất Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường. Lúc này hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước.

Tăng giám sát, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư, mua sắm cho phòng chống dịch

ĐB Bố Thị Xuân Linh (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận) đánh giá cao các lực lượng tuyến đầu chống Covid-19, trong đó, Quân đội đã kịp thời điều quân vào giúp TP HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch.

Tuy nhiên, ĐB Linh cho rằng, công tác chỉ đạo giai đoạn đầu đợt dịch thứ tư có nơi còn lơ là, cứng nhắc, nhất là xử lý tình huống đột xuất. Việt Nam là 1 trong 4 nước phân lập được virus sớm, nhưng lại chưa sản xuất được vaccine, phải nhập khẩu số lượng lớn; việc phân bổ số lượng vaccine chưa đồng đều; hệ thống y tế bộc lộ nhiều yếu kém, nhất là y tế cơ sở; nhiều người khó khăn chưa nhận được hỗ trợ an sinh xã hội...
 ĐB Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: VGP

 Để khắc phục, ĐB Linh đề nghị Chính phủ đẩy mạnh các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tăng cường dự báo dịch Covid-19, hướng dẫn các địa phương thích ứng an toàn; tập trung nguồn lực cho ngành y tế, điều chỉnh chính sách cho các lực lượng chống dịch.

 Đồng thời, Chính phủ cũng cần đánh giá đối tượng ảnh hưởng để có giải pháp tiếp theo; tiếp tục kiểm tra các hoạt động đảm bảo an sinh tại các địa phương, sửa đổi, bổ sung chính sách cho lao động tự do, người dân gặp khó khăn để không bị sót, lọt người cần hỗ trợ. Đồng thời, đề nghị tăng cường thanh tra kiểm tra, giám sát, phòng ngừa tham nhũng tiêu cực trong đầu tư, mua sắm cho phòng chống dịch, các gói an sinh xã hội, cương quyết xử lý nghiêm nếu có sai phạm. 

 Theo ĐB Linh, cần biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân đóng góp vào công tác phòng chống dịch, có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu, tình nguyện viên do làm nhiệm vụ mà mắc Covid-19, những người không may qua đời khi tham gia chống dịch.

 Một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chủ quan chống dịch

ĐB Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề cập nhiều điều chưa từng có tiền lệ trong thời gian chống dịch vừa qua, như: Tổng Bí thư hai lần kêu gọi đoàn kết chống dịch; biến chủng Delta lây lan nhanh xuất hiện; tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử; quân đội điều quân lớn nhất lịch sử...

 "Các biện pháp chống dịch dù chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng hợp lý, có sự đồng lòng, cố gắng vượt bậc" – ĐB Phương Hoa nói.

 Mặt khác, ĐB Hoa cũng thẳng thắn nêu nhiều hạn chế trong việc thực thi công vụ trong chống dịch ở cấp cơ sở.

 Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, kiên quyết không ban hành giấy phép con, không chia cắt, nhưng tại một số thời điểm, có nơi quá lo lắng nên đã đặt ra yêu cầu cao hơn, đặt ra giấy tờ không phù hợp đi qua chốt kiểm soát, gây khó khăn bức xúc cho người dân. Có địa phương chưa tạo điều kiện người dân từ thành phố lớn về quê chống dịch.

 Trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao nhưng một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chủ quan chống dịch. "Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi" - ĐB Hoa nhận định và dẫn chứng, có cán bộ trong thời gian giãn cách đi chơi golf, nhưng khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực.

 Có trường hợp xô xát giữa cán bộ và nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, hoặc có cán bộ xa rời thực tế như việc coi bánh mỳ không phải là mặt hàng thiết yếu. Có nơi quá cứng nhắc, lạm quyền với người dân nên có cách hành xử không phù hợp như vào nhà dân bắt ép một phụ nữ đi xét nghiệm. "Những trường hợp nêu trên không phổ biến nhưng tạo ra hình ảnh phản cảm, góp phần làm làm mất uy tín của chính quyền cấp cơ sở" – ĐB Hoa nói.

 Vì vậy, ĐB Phương Hoa cho rằng, bài học rút ra là bất cứ việc gì cũng cần tạo đồng thuận của người dân. Nếu người dân chưa hiểu thì tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Các quyết sách đưa ra phải cân nhắc trên cơ sở sức khỏe, quyền, lợi ích của người dân.

 "Nếu người dân vi phạm quy định chống dịch thì đã có các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự. Chính quyền cơ sở cần tránh hành động cảm tính, bất chấp quy định" – ĐB Hoa nói.