Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Nuôi dưỡng nguồn thu hợp lý hơn tận thu

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên Thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 chiều 8/11, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết, tại thời điểm hiện nay, các chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu hợp lý hơn là tận thu.

Hạn chế lồng ghép chính sách xã hội trong các chính sách thuế- cần cân nhắc
Về ngân sách, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, trong báo cáo của Chính phủ có nêu giải pháp hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các chính sách thuế. Điều đó có nghĩa là trong 3 năm tới đây, sẽ hạn chế tối đa việc miễn giảm thuế. "Cần hết sức cân nhắc giải pháp trên", bà Mai nói.
 Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội). Ảnh: Media Quốc hội
Theo vị đại biểu này, tính trung lập của thuế là cần thiết nhưng trong bối cảnh hiện nay là khó khả thi, kể cả khi khống chế được dịch bệnh thì những hệ quả còn kéo dài những năm tiếp theo. Mặt khác, căn cứ vào tình hình thực tế ba năm qua thì trong chính sách tài khóa, việc miễn giảm thuế đã được áp dụng liên tục như giải pháp hữu hiệu. Năm 2022 nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục áp dụng chính sách về miễn giảm thuế. Nếu tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích về phục hồi kinh tế thì cũng có thể sẽ có chính sách về miễn giảm thuế.
"Nên tôi cho rằng tại thời điểm hiện nay nên theo đuổi chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các chính sách về khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. Điều đó là cần thiết và hợp lý hơn là chính sách tận thu", bà Mai phát biểu.
Khoảng cách giàu nghèo cũng là vấn đề được bà Mai đề cập trong ý kiến thảo luận của mình. Theo đó, hai năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát và cũng từ đó kế sinh nhai, việc làm của nhóm nghèo nhất xã hội bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo của Chính phủ nhóm bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch bệnh là nhóm nghèo nhất. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, tình trạng kiệt quệ về tài chính, khoảng cách giàu nghèo sẽ còn gia tăng nếu không có giải pháp hữu hiệu. Theo báo cáo của tổng cục thống kê, năm 2016 khoảng cách thu nhập là 9,8 lần; năm 2019 tăng lên 10,2 lần; năm 2020 giảm còn 8 lần.
"Cần kháo sát đánh giá thật chính xác thực trạng xã hội để nhìn thấy rõ nhất khó khăn mà xã hội đang đối mặt. Các gói an sinh xã hội với với mức hộ trợ vài triệu một người dân mang ý nghĩa động viên rất lớn. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế, không phải căn cơ lâu dài. Chỉ khi có giải pháp hữu hiệu phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động mới thu hẹp khoảng cách giàu nghèo", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị.
Sớm ban hành Luật về xử lý nợ xấu
Đại biểu Mai cũng nêu vấn đề thể chế pháp luật, bởi qua dịch bệnh đã bộc lộ những thiếu hụt về các quy định pháp lý. Có những tình huồng không có căn cứ pháp lý để xử lý dẫn đến áp dụng tùy tiện, thiếu thống nhất. Vì vậy, bà cho rằng cần rà soát tổng thể để có khuôn khổ pháp lý vững chắc, mang tính dự báo cao.
Đồng thời, nếu Quốc hội thông qua các giải pháp kích thích phục hồi kinh tế với các biện pháp tín dụng mạnh mẽ thì việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là cần thiết. Hơn nữa, cần sớm ban hành Luật Về xử lý nợ xấu bởi tỷ lệ nợ xấu hiện khá cao, nếu dịch bệnh kéo dài thì con số này còn cao hơn.
Cũng đề cập đến vấn đề xử lý nợ xấu, trong phiên thảo luận sáng 8/11, ĐBQH Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hoá) nhấn mạnh: Nợ xấu ngân hàng khiến việc luân chuyển vốn giữa các khu vực nền kinh tế bị đình trệ, đặc biệt là dòng vốn chảy vào khu vực sản xuất và kinh doanh. Việc Quốc hội thể chế hóa công tác xử lý nợ xấu thông qua việc ban hành Nghị quyết số 42, ngày 21.6.2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc các tổ chức tín dụng trong việc xử lý hậu quả nợ xấu, bảo đảm các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo Báo cáo số 402, ngày 12/10/2021 của Chính phủ thì tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý đến ngày 30.6.2021 đạt trung bình khoảng 5,95 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 2,43 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý trước khi có Nghị quyết. Trước diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ gia tăng nợ xấu của các tổ chức đã được Chính phủ nêu trong Báo cáo số 402, nếu chúng ta không có các giải pháp căn cơ để hạn chế nợ xấu và giải quyết các khó khăn, vướng mắc thì nợ xấu rất khó được giải quyết. Bởi vậy, đại biểu kiến nghị, đối với Quốc hội, đề nghị xem xét thông qua việc sửa đổi, bổ sung cơ chế để xử lý tài sản thi hành án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự khi người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi, tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014 theo hướng rút gọn các trình tự, thủ tục.
Chính phủ Chỉ đạo các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong thực hiện Nghị quyết 42 giai đoạn cuối. Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, quan tâm hơn nữa đến lực lượng thi hành án dân sự. Đây là lực lượng hết sức đặc thù, đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, sức ép quá nặng của công việc. Bình quân một chấp hành viên một năm thi hành 221 việc và khoảng 70 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, trụ sở làm việc của cơ quan thi hành án dân sự mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ đầu tư hơn nữa cho lực lượng thi hành án dân sự.
Với các bộ, ngành, các cấp, ngày 12.6.2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác thu hồi tài sản, thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Vì vậy, đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là cơ quan tố tụng, các cơ quan tiền tố tụng, với chức trách, nhiệm vụ được giao cần kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, truy tố, điều tra, xét xử.