Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đàm phán G20 đạt bước đột phá về tài chính khí hậu?

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số nguồn tin cho biết nhóm các nền kinh tế lớn (G20) đã đạt được sự đồng thuận mong manh về tài chính khí hậu mà các cuộc đàm phán trước đó của Liên Hợp Quốc tại Azerbaijan chưa đạt được.

Lãnh đạo các nước G20 đã có mặt ở thành phố Rio de Janeiro (Brazil) để dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm vào các ngày 18 và 19/11. Nội dung hội nghị sẽ tập trung giải quyết các vấn đề từ đói nghèo, cải cách các thể chế toàn cầu đến vấn đề bạo lực đang leo thang ở Ukraine sau các cuộc không kích hôm 17/11.

Đáng chú ý, các cuộc đàm phán còn đề cập đến nỗ lực của các nước nhằm giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Trong khi hội nghị thượng đỉnh COP29 tại Baku (Azerbaijan) có nhiệm vụ thống nhất mục tiêu huy động hàng trăm tỷ USD cho vấn đề trên, thì "hầu bao" để làm việc đó lại nằm trong tay các nhà lãnh đạo của Nhóm 20 nền kinh tế lớn đang ở cách nửa vòng Trái Đất.

Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước G20 diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil) vào các ngày 18-19/11. Ảnh: Wikimedia
Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước G20 diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil) vào các ngày 18-19/11. Ảnh: Wikimedia

Các nước G20 chiếm 85% nền kinh tế thế giới và là những nước đóng góp lớn nhất cho các ngân hàng phát triển đa phương giúp định hướng vấn đề tài chính khí hậu. “Dĩ nhiên, sự chú ý đang đổ dồn vào nhóm G20. Họ chiếm 80% lượng khí thải toàn cầu”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói với các phóng viên tại Rio de Janeiro. 

Bên cạnh đó, ông Guterres còn bày tỏ quan ngại về tình hình đàm phán của Hội nghị COP29 tại Baku, và kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 hành động nhiều hơn nữa để chống biến đổi khí hậu. “Giờ là lúc các nền kinh tế và các nước phát thải lớn nhất thế giới cần nêu gương lãnh đạo”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), hôm 16/11 cũng viết thư kêu gọi các lãnh đạo G20 cần có nhiều động thái đối với tài chính khí hậu, bao gồm tăng cường tài trợ cho các quốc gia đang phát triển và thúc đẩy cải cách những ngân hàng phát triển đa phương.

Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao gần gũi với tiến trình đàm phán tại Rio de Janeiro, những vấn đề từng gây khó khăn cho Hội nghị COP29 vào tuần trước tiếp tục là trọng tâm của các cuộc đàm phán cùa nhóm G20.

COP29 từng đặt mục tiêu mới về số tiền tài trợ sẽ được chuyển từ các nước phát triển, các ngân hàng đa phương và khu vực tư nhân cho các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, các nhà kinh tế phát biểu tại hội nghị cho rằng con số đó phải lên tới ít nhất 1 nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, các quốc gia giàu có, đặc biệt ở châu Âu, cho rằng mục tiêu đầy tham vọng trên chỉ có thể đạt được nếu việc đóng góp được mở rộng sang một số quốc gia đang phát triển giàu có hơn, chẳng hạn như Trung Quốc và các nhà sản xuất khẩu dầu mỏ lớn ở khu vực Trung Đông.

Hôm 16/11, các cuộc thảo luận về tuyên bố chung của nhóm G20 đã vấp phải vấn đề tương tự. Trong khi lãnh đạo các quốc gia châu Âu muốn thúc đẩy nhiều quốc gia đóng góp hơn nữa, thì một số quốc gia đang phát triển như Brazil lại phản đối điều này.

Nhưng sáng 17/11, hai nguồn tin khác cho hay những nhà đàm phán đã nhất trí về một văn bản đề cập đến các khoản đóng góp tự nguyện, không mang tính bắt buộc, của các quốc gia đang phát triển vào tài chính khí hậu.

Dù vậy, bước đột phá này vẫn bị lu mờ bởi sự trở lại nắm quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump, người được cho là đang chuẩn bị rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu một lần nữa. Điều này đặt ra sự hoài nghi về số tiền mà thế giới có thể huy động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nhất là khi số tiền đó có thể không còn được tài trợ bởi nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, Tổng thống đắc cử Trump còn có kế hoạch hủy bỏ các đạo luật khí hậu mang tính bước ngoặt được thông qua bởi Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden.

Do vậy, thành công của Hội nghị COP29 hay thậm chí cả COP30, dự kiến được tổ chức tại Brazil vào năm tới, phụ thuộc vào một thỏa thuận đầy tham vọng về tài chính khí hậu.

Một trọng tâm trong chiến lược hướng tới COP30 của Brazil là "Nhiệm vụ 1.5" - một nỗ lực để duy trì mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó có việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Liên hợp quốc ước tính các mục tiêu quốc gia ở thời điểm hiện tại sẽ khiến nhiệt độ trung bình trên Trái Đất tăng ít nhất 2,6 độ C.

Dù vậy, các nước đang phát triển lập luận rằng họ chỉ có thể nâng cao mục tiêu giảm phát thải nếu các quốc gia giàu có - những nước bị xem là "thủ phạm" chính gây ra biến đổi khí hậu, cũng phải chi trả một số tiền thích đáng.

"Về mặt lý thuyết, Nhiệm vụ 1,5 vẫn có thể đạt được, nhưng chỉ khi nào xảy ra một cuộc vận động lớn do G20 dẫn đầu để cắt giảm tất cả khí thải nhà kính...", Thủ tướng Bahamas Philip Davis phát biểu tại Hội nghị COP29 tuần trước.