Dấu mốc mới cho mối quan hệ Mỹ - ASEAN

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với cuộc gặp cấp cao đặc biệt ở Sunnyland, Mỹ và ASEAN đã tạo dấu mốc mới với ý nghĩa to lớn cho mối quan hệ giữa hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp chính thức Tổng thống Mỹ Barack Obama, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các hội nghị liên quan. Ảnh: Đức Tám/TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp chính thức Tổng thống Mỹ Barack Obama, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các hội nghị liên quan. Ảnh: Đức Tám/TTXVN
Cuộc gặp thượng đỉnh này vừa khẳng định định hướng chiến lược cho quan hệ hợp tác song phương mà hai bên đã nhất trí thể hiện trong thỏa thuận về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đạt được ở hội nghị cấp cao năm ngoái ở Kuala Lumpur (Malaysia) vừa là bước triển khai thực hiện thỏa thuận ấy. Nó phản ánh thực trạng hiện tại rất tốt đẹp trong quan hệ giữa Mỹ và ASEAN, sự đồng thuận quan điểm về những lợi ích chiến lược chung và ý chí chính trị của cả hai phía đẩy mạnh hơn nữa và thiết thực hóa hơn nữa mối quan hệ hợp tác này trong thời gian tới.

Với sáng kiến tổ chức cuộc gặp cấp cao này, Tổng thống Mỹ Barack Obama thể hiện sự kiên định và nhất quán trong đánh giá về vai trò và vị thế của ASEAN đối với chiến lược của Mỹ "xoay trục" sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương được vị Tổng thống này đề xướng và triển khai thực hiện từ năm 2009. Như thế, về tầm vóc và mức độ thể chế hóa quan hệ hợp tác, Mỹ đang nâng ASEAN lên ngang tầm với EU và những đối tác đặc biệt quan trọng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Trung Quốc và Nhật Bản, vượt xa tầm vóc quan hệ của Mỹ với các khu vực khác trên thế giới.

Thúc đẩy quan hệ với Mỹ như thế, ASEAN có được tiền đề thuận lợi cần thiết để đưa quan hệ với Mỹ lên ngang bằng mức độ quan hệ hợp tác hiện đã có được với Trung Quốc và Nhật Bản, nhờ đó dễ dàng tạo dựng được cho mình thế cân bằng động nhưng luôn thuận lợi nhất giữa 3 đối tác này. Ngoài ra, ASEAN và Mỹ còn đã ký kết Chương trình hành động cho thời gian 2016 - 2020 với trọng tâm hàng đầu là thúc đẩy hợp tác về kinh tế và an ninh. Cả hai lĩnh vực hợp tác này hiện tại đều vừa rất quan trọng lại vừa rất thời sự nổi cộm đối với ASEAN và Mỹ. Hay nói theo cách khác, hai phía có nhiều lợi ích chiến lược chung, có cùng một số vấn đề cấp thiết cần giải quyết và có cùng nhu cầu là triển khai thực hiện cụ thể và hiệu quả những gì đã thỏa thuận với nhau.

Cho nên hội nghị thượng đỉnh đặc biệt này không chỉ là dịp để cả hai phía cùng nhìn lại mà còn để hướng về tương lai. Cho nên chuyện chính trị an ninh khu vực mà trong đó đặc biệt tình hình chính trị an ninh ở Biển Đông và những hành vi của Trung Quốc ở khu vực này cũng như hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại mà tâm điểm là sự hình thành khu vực mậu dịch tự do theo Hiệp ước về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được dành cho ưu tiên hàng đầu trên chương trình nghị sự. Hai phía sẽ có cách thích hợp để sự khó xử của bên này trong quan hệ với Trung Quốc không ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác với bên kia cho dù theo đuổi chủ ý chơi con bài đối trọng trong quan hệ của từng bên với Trung Quốc. Vì thế, hội nghị này là bước tiến mới trong trang sử quan hệ mới đã được mở ra giữa ASEAN và Mỹ.