Đau thương chưa chấm dứt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phân biệt chủng tộc – vấn đề nóng và gai góc trong lịch sử và trên chính trường nước Mỹ một lần nữa bị thổi bùng lên khi nhà thờ Emanuel AME – một biểu tượng của cộng đồng người da màu tại bang Nam Carolina bị tấn công.

Biểu tượng của cộng đồng

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ xả súng tại nhà thờ Emanuel AME, ở Charleston, Nam Carolina khiến 9 người thiệt mạng, hàng trăm sĩ quan cảnh sát địa phương và các đặc vụ của Cục điều tra liên bang (FBI) đã tham gia chiến dịch truy tìm thủ phạm. Theo điều tra ban đầu, nghi can của thảm kịch này là một thanh niên da trắng khoảng 21 tuổi, mặc áo tay dàimàu xám, quần jean màu xanh và đi giày Timberland. Cảnh sát trưởng của Charleston, Thị trưởng của TP đều cam kết sẽ làm hết sức mình để đưa kẻ giết người chịu sự phán xét của công lý.
Cảnh sát có mặt tại hiện trường vụ xả súng.
Cảnh sát có mặt tại hiện trường vụ xả súng.
Dù cảnh sát chưa công khai danh tính nạn nhân nhưng các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại bang South Carolina khẳng định, mục sư và là thượng nghị sĩ bang Clementa Pickney là một trong số 9 người bị thiệt mạng. Ông Todd Rutherford - lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện bang South Carolina cho biết, vị mục sư kiêm chính trị gia 41 tuổi này luôn cố gắng làm mọi điều tốt đẹp nhất cho giáo dân và cử tri của mình.

Năm 2000, mục sư Pickney đã đắc cử vào Thượng viện bang Nam Carolina khi mới 27 tuổi và trở thành người Mỹ gốc Phi trẻ nhất đạt được thành tích này. Trước đó, mục sư Pickney là người đã tổ chức buổi cầu nguyện cho Walter Scott – một người da đen đã thiệt mạng vì bị cảnh sát North Charleston bắn. Với tư cách là thượng nghị sĩ của bang, ông Pickney đã phát động chiến dịch trang bị máy quay gắn trên người cho lực lượng cảnh sát để đảm bảo sự minh bạch.

Nguy cơ từ “mồi lửa” giận dữ

Ngay trước khi thiệt mạng trong vụ xả súng, thượng nghị sĩ Pickney đã có cuộc gặp với ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton tại một sự kiện gây quỹ ở Charleston. Trong khi đó, ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Jeb Bush đã tuyên bố sẽ không xuất hiện tại Charleston theo kế hoạch đề ra vì vụ nổ súng. Là khu vực tập trung cộng đồng người da màu lớn nhất tại bang Nam Carolina, không khó để lý giải vì sao Charleston trở thành địa điểm cần phải đến trong chiến dịch vận động tranh cử của các ứng viên Tổng thống Mỹ thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Tình trạng bị phân biệt đối xử vốn gắn liền với những trang sử đen tối của nước Mỹ từng được ông Obama thừa nhận là diễn ra một cách công khai, hàng ngày hàng giờ khiến các vụ việc như ở Charleston trở thành “mồi lửa” thổi bùng cơn giận dữ của cư dân da màu. Bất chấp nỗ lực của ông Obama - vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, hố sâu ngăn cách của tình trạng phân biệt sắc tộc, màu da không chỉ gây chia rẽ trong nội bộ mà còn khiến Washington rơi vào tình thế “há miệng mắc quai” và hứng chịu nhiều chỉ trích từ các quốc gia từng bị Mỹ “đánh giá” là có vấn đề về nhân quyền. Thậm chí, tình trạng phân biệt chủng tộc diễn ra gay gắt tại Mỹ suốt thời gian qua đã khiến cựu Thủ tướng Australia Julia Robert khuyên bà Clinton nên sử dụng vấn đề này như một nội dung chủ yếu trong chương trình vận động tranh cử vào Nhà Trắng.

Đúng như ông Obama từng thừa nhận, nỗi đau của người Mỹ gốc Phi trong vụ xả súng lần này là “sản phẩm” của một giai đoạn lịch sử đau thương vẫn chưa thể đặt dấu chấm hết. Những gì diễn ra Charleston có thể sẽ lặp lại vào bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi nào trên nước Mỹ và các vấn đề liên quan đến phân biệt chủng tộc sẽ tiếp tục là bài toán khó giải trong phần nhiệm kỳ còn lại của ông Obama và các Tổng thống kế nhiệm.