Sau khi mở rộng địa giới hành chính, số lượng công trình thủy lợi của TP Hà Nội quản lý rất lớn, trong đó rất nhiều công trình đã được xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Đặc biệt, sau trận mưa lũ lịch sử cuối tháng 10/2008, nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng khiến hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp bị suy giảm.
Để bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, TP Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi quy mô lớn. Điển hình như các trạm bơm: Ngoại Độ, Yên Nghĩa, Ấp Bắc, Phù Sa, Thanh Điềm, cùng một loạt hồ chứa nước dung tích lớn như Đồng Mô - Ngải Sơn, Xuân Khanh, Đồng Sương...
|
Trạm bơm Thạch Nham (huyện Thanh Oai) mới được TP đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu phòng chống úng ngập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lâm Nguyễn |
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Nguyễn Vĩnh Liên cho biết, từ năm 2008 đến nay, đã có 182 công trình thủy lợi được đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp bằng ngân sách TP, với tổng kinh phí trên 262,6 tỷ đồng. Ngoài ra hàng năm, 5 DN thủy lợi của Hà Nội đều sử dụng nguồn vốn sửa chữa thường xuyên trong kinh phí đặt hàng dịch vụ thủy lợi để tu bổ, nâng cấp các công trình. Tổng kinh phí này theo thống kê khoảng 458 tỷ đồng. Với sự đầu tư lớn, hệ thống thủy lợi của Hà Nội đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp và hạn chế tối đa rủi ro thiên tai.
"Để quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi đề nghị TP chỉ đạo 5 DN thủy lợi phối hợp với các địa phương xây dựng quy chế phối hợp quản lý công trình mới tiếp nhận, bàn giao. Đồng thời, rà soát, xây dựng cơ chế khoán chi đối với từng đơn vị phù hợp với quy mô công trình, thực trạng vùng tưới, tiêu." - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Nguyễn Vĩnh Liên |
Hai giải pháp song hànhHiện nay, nhiều trong số các công trình thủy lợi trên địa bàn TP đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhất là hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Các công trình đầu mối mang tính chiến lược phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ tiêu úng cho khu vực nội thành vẫn còn ít, thiếu đồng bộ. Điều này đặt ra bài toán đối với việc thực hiện nhiệm vụ “kép” trong sản xuất nông nghiệp và ứng phó thiên tai.
Để hệ thống công trình thủy lợi làm tốt các nhiệm vụ trong bối cảnh mới, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu UBND TP huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng công trình có tính chất cấp bách, chiến lược như: Hệ thống tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích; Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; nạo vét trục chính sông Nhuệ. Tập trung xây dựng, cải tạo các trạm bơm: Nhân Hiền, Xém, Ngoại Độ, Đan Hoài, Hồng Vân; nâng cấp và xây dựng mô hình hiện đại hóa hệ thống tưới Hạ Dục... Đồng thời, xây dựng quy trình vận hành, kiểm định an toàn các hồ chứa nước và công trình thủy lợi đầu mối trên địa bàn TP để nâng cao năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, bên cạnh giải pháp công trình, các địa phương cần nghiên cứu, chuyển đổi những vùng sản xuất nông nghiệp thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước sang trồng các loại cây trồng cạn. Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, nuôi trồng thủy sản tập trung. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ yếu là rau màu, hoa và cây ăn quả. Đây sẽ là giải pháp căn cơ cho bài toán sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh điều kiện nguồn nước biến đổi khôn lường hiện nay.