Nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu và yếu
Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa Hà Nội Nguyễn Hữu Lương cho biết: Chuyển đổi số là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang trở thành một xu thế, động lực tất yếu cho sự phát triển kinh tế và xã hội.
Theo kết quả khảo sát 400 DN về “Thực trạng chuyển đổi số ở DN trong bối cảnh Covid-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020 cho thấy, DN Việt Nam nói chung, DN Hà Nội nói riêng đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng công nghệ số vào các khâu như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán.
Báo cáo của VCCI cũng cho thấy kỳ vọng lớn của đại bộ phận DN Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi số. Có tới 98% DN kỳ vọng có sự thay đổi trong trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí, chiếm tỷ lệ hơn 71%, giúp DN hạn chế giấy tờ (61,4%) đưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%).
Các chuyên gia, nhà quản lý tham gia hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề ''Phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025 tầm nhìn năm 2030'', do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức |
Về phía TP Hà Nội, ngày 27/7/2021, UBND TP đã ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông phục vụ Chương trình chuyển đổi số TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó mục tiêu của TP nhằm hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền TP, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp... Chương trình chuyển đổi số của Hà Nội nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu.
Tham luận tại hội thảo, Giám đốc nhân sự tập đoàn FPT Chu Quang Huy cho biết, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng là nhiệm vụ cấp thiết. Đặc biệt trong hoạt động chuyển đổi số của TP Hà Nội, cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hiểu biết và chuyên sâu về công nghệ thông tin (CNTT), khoa học kỹ thuật nhằm đáp ứng các mục tiêu của Thủ đô.
Theo TS Lương Duy Hiếu - Cục Ứng dụng & Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN), muốn chuyển đổi số trước tiên cần phải có nhận thức đúng về chuyển đổi số. Do đó, trong lộ trình này, yếu tố con người là trung tâm. Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực phục vụ các mục tiêu chuyển đổi số là vô cùng thiết yếu. Hiện nay Hà Nội có nhiều lợi thế về nguồn lao động chất lượng cao, tuy nhiên lực lực lượng lao động tay nghề chưa cao, thiếu kỹ năng ứng dụng thực tế.
Bên cạnh đó, hoạt động liên kết giữa DN với các cơ sở giáo dục, trường học, viện nghiên cứu, trường đại học còn hạn chế; hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, dẫn tới hạn chế trong việc khai thác nguồn nhân lực đã qua đào tạo chưa phát huy được hiệu quả. Mặt khác, Hà Nội chưa có chính sách vượt trội thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ tri thức, chuyên gia, cán bộ khoa học. Nhóm nhân lực này chưa thực sự được trọng dụng các hoạt động phát triển kinh tế cho Thủ đô, dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám, lãng phí nguồn lực.
Cần hình thành sớm kỹ năng số cho công dânĐại diện Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với yêu cầu chuyển đổi số tiến tới xây dựng xây dựng thành công chính phủ điện tử, chính phủ số, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức mang tính chuyên sâu các kỹ năng sử dụng CNTT; từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia CNTT về quản lý hệ thống mạng, quản trị hệ thống, bảo mật, quản trị hệ thống dữ liệu, đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, phục vụ có hiệu quả nhu cầu của xã hội và người dân. Mặt khác, cần tiếp tục đổi mới phương thức tuyển dụng, quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; đồng thời có chính sách đãi ngộ đội ngũ công chức, viên chức có thu nhập đảm bảo bằng hoặc cao hơn mức thu nhập trung bình chung của toàn xã hội, nhất là đội ngũ công chức, viên chức làm công tác tham mưu văn bản, thực thi và bảo vệ pháp luật, trực tiếp giải quyết công việc của người dân, tổ chức và DN.
Còn theo TS Đỗ Hồng Cường (trường Đại học Thủ đô Hà Nội), việc giáo dục sớm để hình thành lớp công dân số mới chính là giải pháp căn cơ. Theo đó cần đưa nội dung phổ cập kỹ năng số vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số. Từ đó hình thành nhận thức về chuyển đổi số và trang bị hành trang vững chắc cho các tương lai của đất nước bước vào cuộc cách mạng số.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các trường Đại học/Cao đẳng/Trung cấp triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn về công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Mặt khác, cần thúc đẩy hoạt động liên kết giữa DN trong lĩnh vực Công nghệ thông tin với các Viện nghiên cứu/trường học.
"Với năng lực về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, với sứ mạng đã đặt ra, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có thể là ứng viên tốt để triển khai thí điểm mô hình "Đại học số" trên địa bàn TP và từ đó nhân rộng mô hình này tới các trường chuyên nghiệp của Hà Nội" - TS Đỗ Hồng Cường cho hay.