Đẩy mạnh thanh, kiểm tra, chống thất thu thuế

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Thuế TP Hà Nội sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra những DN có rủi ro cao về thuế, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chuyển nhượng vốn, thương mại điện tử, các đơn vị lỗ liên tục, ưu đãi miễn giảm thuế...

Ứng dụng công nghệ thông tin vào phân tích rủi ro
Nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, ngay từ những tháng đầu năm 2017, Cục Thuế TP Hà Nội đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thu, tăng cường chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh việc kiểm tra, rà soát việc kê khai, nộp thuế của các DN, người nộp thuế. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về khai thuế, nộp thuế để đôn đốc người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ về thuế đầy đủ, kịp thời và sát với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; triển khai quyết liệt công tác đôn đốc, cưỡng chế nợ đọng thuế và thanh tra, kiểm tra thuế... Trong đó, Cục Thuế TP Hà Nội xác định công tác thanh tra, kiểm tra là khâu mũi nhọn nhằm phòng ngừa, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần chống thất thu, khai thác tăng thu ngân sách Nhà nước. “Với mục tiêu đó, Cục Thuế đã nghiên cứu, đổi mới phương thức, ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào phân tích rủi ro và hỗ trợ quá trình thanh, kiểm tra. Việc phân tích hồ sơ trước khi tiến hành thanh, kiểm tra tại DN nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh, kiểm tra”- Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Mai Sơn cho hay.

Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế TP Hà Nội. Ảnh:  Thanh Hải 

Thời gian qua, Cục Thuế TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong công tác thanh, kiểm tra. Theo đó, Cục đã phối hợp với cơ quan BHXH và Liên đoàn Lao động TP để thực hiện kiểm tra về trích đóng BHXH và kinh phí công đoàn đối với 3.075 DN, tổ chức. Các cuộc kiểm tra này đã phát hiện 891 đơn vị có dấu hiệu vi phạm trích BHXH, 1.042 đơn vị có dấu hiệu vi phạm về kinh phí công đoàn và chuyển kết quả tới cơ quan BHXH và Liên đoàn Lao động TP để xử lý theo quy định. Việc phối hợp với cơ quan Công an điều tra trong công tác chống thất thu cũng luôn được Cục Thuế TP Hà Nội chú trọng tăng cường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế, gian lận, trốn thuế, đặc biệt là hành vị mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, tháng 5/2017, Cục Thuế TP Hà Nội đã triển khai đề án và hoàn thành việc dán tem đối với 100% các cây xăng trên địa bàn (306 DN kinh doanh xăng dầu với 484 cửa hàng, cây xăng). Đối với hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội, Cục Thuế TP Hà Nội đã thực hiện thông báo qua tin nhắn tới 13.422 chủ tài khoản của cá nhân kinh doanh trên các trang mạng xã hội để các cá nhân tự rà soát, xác định, hiểu rõ trách nhiệm trong việc thực hiện kê khai, nộp thuế, đồng thời hỗ trợ các cá nhân thực hiện đăng ký theo quy định, tránh các rủi ro về thuế sau này và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Cơ quan này cũng tiếp tục triển khai thực hiện, tăng cường quản lý, thực hiện các chuyên đề kiểm tra chống thất thu thuế đối với khu vực hộ kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, ăn uống theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Tính đến hết tháng 6/2017, Cục Thuế TP Hà Nội đã hoàn thành 8.155 cuộc thanh, kiểm tra, đạt 44,8% kế hoạch và tăng 79,6% so với cùng kỳ; Xử lý truy thu, truy hoàn và phạt 1.168 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ; giảm lỗ 1.167 tỷ đồng; giảm khấu trừ 134,6 tỷ đồng. Theo đánh giá của ngành thuế Hà Nội, công tác thanh, kiểm tra vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn tại cần khắc phục. Hiện, chính sách thuế còn thiếu sự ổn định, rõ ràng dẫn tới cách hiểu và áp dụng của cả cơ quan thuế và người nộp thuế có những điểm không đồng nhất, có lúc chưa cập nhật kịp thời những thay đổi để áp dụng đúng các quy định của pháp luật. Mặt khác, chưa có chế tài xử phạt nghiêm khắc cho các trường hợp cố tình không cung cấp tài liệu hoặc kéo dài thời gian cung cấp tài liệu phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra, cố tình trì hoãn việc ký biên bản ghi nhận số liệu, biên bản thanh, kiểm tra.
Thời gian tới, Cục Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng mạnh CNTT vào các bước thanh tra; nâng cao trách nhiệm từng cán bộ, nhất là người đứng đầu các đoàn và các phòng; tăng cường giám sát các đoàn, cuộc thanh, kiểm tra đảm bảo đúng thời gian quy định, bảo đảm chứng cứ sát thực, chuẩn xác. “Các phòng thanh tra, kiểm tra thuế cần phải thực hiện nghiêm túc quy trình, nghiệp vụ nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công việc. Công tác thanh tra, kiểm tra phải mang tính răn đe, ngăn chặn và phòng chống kịp thời các hành vi sai phạm, từ đó tạo sức lan tỏa, cũng như nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế. Đặc biệt, mỗi cán bộ, công chức thuế phải tích cực hướng dẫn, tuyên truyền chính sách pháp luật thuế, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho người nộp thuế thuộc mọi thành phần kinh tế. Qua đó góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2017 của Cục Thuế TP Hà Nội”- Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Mai Sơn nhấn mạnh.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Cục Thuế TP Hà Nội đã thực hiện công khai nợ của 939 DN và dự án nợ tiền thuế với tổng số tiền nợ đã đăng công khai là 2.857.099 triệu đồng. Sau công khai đã có 301 DN nộp 142.690 triệu đồng vào ngân sách Nhà nước.

Để chống thất thu ngân sách Nhà nước đợt thanh tra, Cục Thuế Hà Nội đã đưa các ứng dụng CNTT vào công tác thanh tra. Cùng với đó, để việc thanh tra, kiểm tra dựa trên phương pháp quản lý rủi ro bằng hệ thống điện tử, Cục Thuế đang hoàn thiện hệ thống các tiêu chí rủi ro chuyên sâu theo từng ngành, nghề, lĩnh vực cụ thể.
Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần