Đẩy sớm hiệu lực thi hành luật: giải quyết tồn tại trong vấn đề đất đai

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận về dự thảo "1 luật sửa 4 luật" đa số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành cao với việc đưa các dự án luật quan trọng vào thi hành sớm theo tinh thần "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”.

Chiều 21/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án “1 luật sửa 4 luật”: tức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Thị trường bất động sản đang kỳ vọng sự “phá băng”

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn tỉnh Bình Phước) đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ về việc đề nghị điều chỉnh thời hạn có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đối với các luật trên.

Theo đại biểu, việc ban hành sớm Luật Đất đai có lợi cho người sử dụng đất. Cụ thể, việc cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa kèm theo các điều kiện để bảo toàn diện tích đất nông nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn như hiện nay.

Quang cảnh phiên làm việc ngày 21/6 của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc ngày 21/6 của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - Ảnh: Quochoi.vn

Điều này cũng tạo điều kiện phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới, nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng lúa, phát triển nền nông nghiệp nói chung của đất nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân được chuyển nhượng thuận tiện hơn hoặc chuyển đổi nghề bảo đảm cuộc sống.

Bên cạnh đó, hệ thống nhà màng, nhà kín, phun tưới tự động chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng khi không sử dụng lại có giá trị thu hồi rất thấp… Vì vậy, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, cho phép doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có thể nhận chuyển nhượng đất trồng lúa lên tới hàng chục ha, đã tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ gia đình khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng thị trường bất động sản cũng đang kỳ vọng sự “phá băng” khi Luật Đất đai sớm có hiệu lực.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phân tích, các doanh nghiệp bất động sản cho biết, thị trường bất động sản thời gian qua đang nằm ở “trạng thái chờ”. Đặc biệt là chờ tháo gỡ vướng mắc pháp lý (chiếm tới 70% vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản), đây là yếu tố quyết định sự hình thành và phát triển của dự án bất động sản, là vấn đề then chốt cần phải giải quyết để tạo ra sưc bật giúp thị trường bất động sản hồi phục - nhất là vướng mắc về chính sách đất đai.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Anh (Đoàn TP Hà Nội)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Anh (Đoàn TP Hà Nội)

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp chờ đợt luật có hiệu lực để có thể chuyển sang thuê đất trả tiền thuê hàng năm, giảm bớt gánh nặng tài chính trong thời gian đầu triển khai dự án. Từ đó, giá bán bất động sản cũng có cơ hội được điều chỉnh về mức hợp lý hơn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ quyết tâm hơn nữa và cam kết trước Quốc hội trong việc khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như hỗ trợ các tỉnh trong việc xây dựng, ban hành các quy định lên quan đến thẩm quyền địa phương.

Chuẩn bị kỹ, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Anh (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, đẩy nhanh hiệu lực thi hành luật sớm lên 5 tháng sẽ giải quyết các tồn tại hiện nay trong thực hiện các vấn đề liên quan đến đất đai.

“Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong xây dựng, thi hành pháp luật. Các dự án luật được thi hành sớm hơn ngày nào sẽ có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội sớm ngày đó” - đại biểu Nguyễn Trúc Anh nói.

Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn tỉnh Bình Dương) cho rằng, việc đưa các luật vào thi hành sớm sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng GDP trong 6 tháng cuối năm 2024 vì luật sẽ tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn tỉnh Bình Dương)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn tỉnh Bình Dương)

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, có những doanh nghiệp FDI muốn mở rộng sản xuất nhưng hiện phải dừng lại vì vướng luật. Các doanh nghiệp FDI có kế hoạch bố trí vốn nếu chậm trễ có thể dẫn tới tái cơ cấu, hoặc chuyển đổi khu vực đầu tư. Bởi vậy, việc ban hành luật càng sớm sẽ càng tốt. Đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành các nghị định để các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, theo đại biểu, một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay nhưng còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết.

Do đó đại biểu đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết - nhất là các văn bản do địa phương xây dựng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai các luật này khi các luật có hiệu lực thi hành.