Theo Báo cáo một số nội dung lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đường bộ tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ V, sau khi chỉnh lý, Dự án Luật có 86 điều, giảm 6 điều so với Dự án Luật Chính phủ trình.
Một số vấn đề lớn được đưa ra thảo luận như tính thống nhất của hệ thống pháp luật; hệ thống giao thông thông minh; quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ; các quy định về việc giao cho UBND cấp tỉnh đầu tư, xây dựng quốc lộ và đường cao tốc; các quy định về phân cấp cho UBND cấp tỉnh quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường bộ thuộc hệ thống quốc lộ; các quy định về đầu tư, xây dựng phát triển đường cao tốc; phí sử dụng đường cao tốc...
Trong đó, về quy định giao UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ, đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ và quản lý, vận hành khai thác, bảo trì quốc lộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội chỉnh lý quy định về trường hợp phân cấp cho UBND cấp tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ nhưng phải phù hợp quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan. Như vậy, trong thời gian tới, nếu Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước được sửa đổi, bổ sung cho phép phân cấp đầu tư xây dựng quốc lộ cho cấp tỉnh thì sẽ thực hiện quy định này.
Đối với hoạt động quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì quốc lộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị quy định theo hướng điều chuyển đoạn tuyến quốc lộ cho UBND cấp tỉnh quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trước ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện theo quy mô quy hoạch” khi đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với quy định của Dự án Luật Chính phủ trình, nhưng chỉnh sửa quy định này tại Dự án Luật tiếp thu, chỉnh lý, để thể hiện rõ hơn theo hướng “công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện theo quy mô làn xe quy hoạch mạng lưới đường bộ”.
Về quy định thu phí sử dụng đường cao tốc trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, quy định bảo đảm sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến song hành, nếu sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn thì phải trả chi phí cao hơn.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, quy định này là phù hợp, không dẫn đến phí chồng phí; từ đó đề nghị cho giữ quy định này (có chỉnh sửa cho chặt chẽ về nội dung và kỹ thuật lập pháp) và quy định sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Phí và lệ phí tại Dự án Luật Đường bộ.
Thảo luận về các vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) cho rằng, tới nay chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn đường cao tốc, tạo ra nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường cao tốc. Đại biểu đề nghị luật hóa các nguyên tắc bắt buộc trong Luật, sau đó Bộ trưởng Bộ GTVT mới ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể.
“Tôi đề nghị cần có 6 điểm quy định trong Luật như, bắt buộc phải có dải phân cách cứng; phải có làn khẩn cấp; phải có điểm dừng đỗ; tốc độ các phương tiện di chuyển phải cao nhất trong các cấp kỹ thuật; khổ làn không thấp hơn 3,75m; quy định số làn cụ thể” - đại biểu Lê Hoàng Anh nói.
Cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Dự Luật quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ đối với đường cao tốc, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) cho rằng, hiện nay Bộ GTVT đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc mới, chưa áp dụng nên chưa biết vận hành có mang lại hiệu quả tích cực hơn hay không? Do vậy, cần đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể hơn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa vào Dự Luật, nhằm mang lại hiệu quả khi triển khai và phù hợp với xu hướng phát triển giao thông của thế giới.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần tính toán việc giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng quốc lộ, đường cao tốc theo quy mô làn xe. Bởi thực tế, khi Nhà nước chưa thể đầu tư một lần mà phải phân kỳ đầu tư thì đất giải phóng mặt bằng xong chưa sử dụng sẽ gây ra lãng phí.
Về giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng, hệ thống quốc lộ đã được xây dựng tương đối tốt, hiện chỉ duy tu, bảo trì, bảo dưỡng là cơ bản. “Nếu giao Bộ GTVT thực hiện duy tu, bảo dưỡng thì mất nhiều thời gian, giao cho cấp tỉnh sẽ nhanh và đáp ứng thực tế tại địa phương hơn, đồng thời bảo đảm phân cấp cho địa phương”- đại biểu nói.