Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để an sinh xã hội thực hiện hiệu quả

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam là đất nước hàng năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, tình trạng đói nghèo vẫn còn nên số người cần trợ giúp xã hội rất lớn, chiếm hơn 20% dân số cả nước.

Trong những năm qua, chính sách trợ giúp xã hội luôn được Chính phủ bổ sung, sửa đổi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, chính sách trợ giúp xã hội vẫn còn đối diện với những khó khăn và thách thức.

Mới đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; với mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng. 

Trước đó, khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều người dân, người lao động rơi vào boàn cảnh khó khăn, DN thiếu đơn hàng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP  về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Sau đó, Chính phủ tiếp tục ban hành các Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg… 

Những chính sách các chính sách hỗ trợ được ban hành kịp thời, nhanh chóng đã cơ bản hỗ trợ được người dân, nhất là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và chịu tác động mạnh của đại dịch như người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người lao động, hộ kinh doanh, DN…. Nhiều chính sách có tỷ lệ giải ngân nhanh được xã hội đánh giá cao như an toàn lao động, bảo hiểm thất nghiệp…

Hiện nay, chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng đang áp dụng với 3.336.267 đối tượng bảo trợ xã hội và 354.340 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng. Ngân sách Nhà nước chi trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP với trên 27.000 tỷ đồng/năm. Nhiều tỉnh, TP có điều kiện đã nâng mức chuẩn trợ cấp, mức trung bình khoảng 400.000 đồng/tháng, cho gần 700.000 đối tượng với kinh phí 3.515 tỷ đồng/năm, để cải thiện đời sống.

Tuy nhiên, công tác trợ giúp xã hội vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Có thể thấy rõ là chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội chưa hoàn thiện, mới chỉ tập trung khắc phục rủi ro cho nhóm người nghèo, người yếu thế và người dễ bị tổn thương; chưa chú trọng tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó với rủi ro của người dân.

Vẫn còn thiếu chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội. Trong khi đó, công tác tuyên truyền còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được sức mạnh và huy động mọi người lực xã hội cùng tham gia trợ giúp xã hội... Bên cạnh đó, mức chuẩn trợ giúp xã hội 360.000 đồng/tháng trong tình hình hiện nay là rất thấp, mới chỉ bằng 17% thu nhập trung bình của người dân và bằng khoảng 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2022 – 2025. Trong khi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng. Với mức chuẩn trợ giúp xã hội 360.000 đồng/người/tháng khó có thể cải thiện được cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là trong bối cảnh giá cả lương thực thực phẩm tăng.

Để cải thiện tình hình, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2021/NĐ-CP Quy định chính sách trợ giúp xã hội, đề xuất 2 phương án tăng mức trợ giúp xã hội. Phương án 1, tăng mức trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên thành 500.000 đồng/tháng; phương án 2, tăng từ 360.000 đồng/tháng lên 750.000 đồng/tháng.

Trong đó, Bộ LĐTB&XH đang nghiên cứu để trình Chính phủ tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng, bằng khoảng 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn, dự kiến kinh phí hàng năm khoảng 37.000 tỷ đồng. Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất bổ sung ba đối tượng được trợ giúp xã hội là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, không có người nuôi dưỡng; trẻ em dưới 3 tuổi và người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Hy vọng, đề xuất của Bộ LĐTB&XH sớm được trình Chính phủ thông qua để góp phần hỗ trợ thêm cho các đối tượng xã hội cũng như có thêm nhiều người yếu thế được hưởng lợi góp phần để công tác bảo đảm an sinh xã hội hiệu quả hơn và không ai bị bỏ lại phía sau.