Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đê điều Hà Nội “đảm bảo đủ khả năng chống lũ với mực nước thiết kế”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin trên được nêu trong báo cáo vừa được Sở Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội công bố liên quan tới công tác hộ đê và phòng, chống lụt bão năm 2017.

Tuyến đê bờ tả sông Nhuệ đoạn qua địa bàn xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) đã được kè cứng.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hà Đức Trung, trước mùa mưa bão năm 2017, đơn vị quản lý đê điều đã phối hợp cùng các địa phương tiến hành rà soát, nâng cấp, duy tu, sữa chữa các tuyến đê. Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, đến nay, hầu hết các tuyến đê “đảm bảo đủ khả năng chống lũ với mực nước thiết kế” và phấn đấu chống được lũ cao hơn.
Tuy nhiên, ông Hà Đức Trung cũng cho rằng, cần tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra canh gác đê nhằm phát hiện sớm những sự cố, hư hỏng đê điều để xử lý, ứng cứu ngay từ giờ đầu, đặc biệt là tại 3 trọng điểm và 10 vị trí xung yếu. Đối với 3 trọng điểm gồm: Khu vực đê, kè Xuân Canh - Cống Long Tửu (huyện Đông Anh); Cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm); Cụm công trình cống qua đê Yên Sở (quận Hoàng Mai), Sở NN&PTNT Hà Nội đã lập phương án bảo vệ và trình UBND TP phê duyệt.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Tiểu ban kỹ thuật lập phương án ứng phó với 10 điểm xung yếu thuộc địa bàn các huyện: Phúc Thọ (2 điểm), Gia Lâm (2 điểm); Đan Phượng, Thường Tín, Phú Xuyên, Sóc Sơn và quận Long Biên - mỗi địa phương một điểm.

Cũng theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có trên 626km đê đi qua địa bàn 26/30 quận, huyện, thị xã được phân cấp, trong đó có trên 37,7km đê cấp đặc biệt; 249km đê cấp I; 45km đê cấp II… Dọc các tuyến đê có 17 Hạt quản lý đê, 366 điếm canh đê và 73 điểm kho, bãi vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai.