Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để nhà khoa học yên tâm cống hiến

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với chiều dài lịch sử của đất nước, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng để những người làm KH&CN yên tâm cống hiến vẫn còn nhiều việc phải làm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những năm qua, KH&CN không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh vô cùng to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp đổi mới và phát triển.

Những thành tựu KH&CN ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến và áp dụng sâu rộng trong thực tiễn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam luôn mang trên mình nhiệt huyết cách mạng, khát vọng vươn lên, đưa KH&CN trở thành động lực, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước…

Xếp hạng quốc tế về KH&CN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Trong 10 năm qua, tính từ năm 2013, thứ hạng của Việt Nam tăng 30 bậc, từ vị trí 76 lên 46.

Cơ chế và chính sách về KH&CN cũng được quan tâm đổi mới, nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, thực tế ngành KH&CN nói chung và nhà khoa học vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực trạng đãi ngộ với các nhà khoa học hiện nay chưa cao, lương thấp, không có phụ cấp, các cơ sở công lập phải tự chủ chi thường xuyên mà vẫn bị hạn chế thu nhập tăng thêm, hoạt động chuyển giao công nghệ vướng mắc về cơ chế… Vì thế đời sống của nhà khoa học rất khó khăn và họ phải tìm mọi cách để có thu nhập.

Có lẽ, dư luận vẫn chưa quên câu chuyện về một nhà khoa học mới đây đã phải bán bài nghiên cứu của mình để lấy tiền trang trải cuộc sống. Nhìn nhận ở góc độ chuyên môn, thì đây là một hành vi vi phạm pháp luật, liêm chính học thuật.

Nhưng qua đó cũng cho thấy một thực tế đáng buồn về sự đãi ngộ với những người làm khoa học. Cực chẳng đã, vì cuộc sống mà họ phải bán đi “đứa con tinh thần” mà mình dày công nghiên cứu.

Nguyên nhân của tình trạng đó là sự bất cập và không đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho ưu đãi, trọng dụng nhà khoa học rất hạn chế.

Ngân sách Nhà nước chỉ lo được chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp với mức chi lương thấp, chưa thể cải cách tiền lương theo hướng bảo đảm cuộc sống của nhà khoa học.

Chưa kể, việc đầu tư và thực hiện cơ chế tài chính với hoạt động KH&CN còn nhiều vướng mắc trong xây dựng kế hoạch; lập, giao dự toán; thanh quyết toán, dẫn đến chưa khơi thông nguồn lực tài chính cho KH&CN.

Phát biểu tại lễ chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam (18/5) hôm 15/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhìn nhận, cơ chế, chính sách quản lý KH&CN còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa có đột phát trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng. Trong khi đó, cạnh tranh thu hút nhân tài KH&CN đang là một cuộc chạy đua khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới.

Chính vì vậy, cần thiết phải có cơ chế đặc thù cho KH&CN và đội ngũ nhân lực làm khoa học công nghệ, xây dựng cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng để đội ngũ những người làm KH&CN yên tâm cống hiến.