Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để “nhường ghế” trở thành bình thường

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không bổ nhiệm lại, giới thiệu vào vị trí cao hơn với những cán bộ uy tín giảm sút, vi phạm kỷ luật, khuyến khích những cán bộ năng lực hạn chế xin từ chức… là các nội dung vừa được Thành ủy Hà Nội ban hành và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Cán bộ bộ phận một cửa tiếp đón người dân. Ảnh: Công Hùng
Cán bộ bộ phận một cửa tiếp đón người dân. Ảnh: Công Hùng

Các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, lựa chọn được những nhân tố xuất sắc, xử lý tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, ngại trách nhiệm hay bố trí, luân chuyển cán bộ luôn “nóng”.

Bởi trước thực tiễn hiện nay, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý không thiếu người giỏi, có phẩm chất, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng cũng vẫn xuất hiện tình trạng cán bộ vi phạm kỷ luật, “giữ ghế” nhưng không làm việc hoặc làm việc không hiệu quả do năng lực hạn chế, do sợ trách nhiệm, khiến công việc ách tắc, cản trở sự phát triển.

Trong đó có cả những cán bộ, đảng viên dẫu có vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, vẫn chọn cách im lặng; chỉ khi bị xử lý thì mới “buộc” phải nghỉ việc, “mất ghế”…, điều này dẫn đến công việc các cơ quan bị trì trệ.

Cụ thể hóa những quy định của T.Ư, trong thời gian qua, Hà Nội tiếp tục có những đổi mới toàn diện, đồng bộ các khâu của công tác cán bộ. Trong đó, TP kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển những cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tập trung, quyết liệt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tín nhiệm thấp, mất đoàn kết nội bộ... mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Thực tiễn đã có những trường hợp cán bộ không hoàn thành được nhiệm vụ tại đơn vị, địa phương, khiến công việc bị chậm, ùn tắc bị điều chuyển. Phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục rèn luyện đã dần đi vào thực tiễn.

Với Quy định mới lần này, nhiều vấn đề liên quan đến bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm, cho từ chức và bố trí cán bộ sau khi miễn nhiệm, từ chức đã được cụ thể hóa rất cụ thể.

Trong đó, Hà Nội đã chỉ rõ cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian 12 tháng đối với hình thức kỷ luật khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo; 60 tháng đối với hình thức kỷ luật cách chức. Kể cả cán bộ sau khi được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vì một trong các lý do: Uy tín giảm sút, không hoàn thành nhiệm vụ; vi phạm kỷ luật… vẫn quyết định thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức, cách chức, không chờ hết thời hạn nhiệm kỳ.

Đồng thời, Hà Nội cũng "khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức; nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định", cùng với đó quy định rõ trường hợp cần xem xét cho từ chức, miễn nhiệm.

Các quy định phù hợp này đã cho thấy thực tiễn, có lên chức, ắt hẳn phải có từ chức, “nhường ghế” với cán bộ không đủ năng lực hay uy tín là chuyện hết sức bình thường, không còn là câu chuyện hiếm hay bất thường.

Phải nói rằng, sớm đưa vào triển khai các quy định mới này có ý nghĩa rất lớn trong công tác cán bộ hiện nay, giúp tháo gỡ vướng mắc ngay từ cơ sở; tránh tình trạng nể nang.

Nhưng việc bố trí cán bộ như thế nào, không để cán bộ bị kỷ luật, yếu kém vẫn tiếp tục ngồi lại vị trí lại rất cần sự nghiêm túc trong thực hiện từ chính mỗi cơ quan, đơn vị liên quan.