Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất chống ngập cho TP Hồ Chí Minh bằng hóa chất

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo do Viện Nghiên cứu Phát triển tổ chức, ngày 18/12, TS Đặng Vũ Trọng (đại diện Tập đoàn SNF từ Canada) đề xuất ứng dụng sử dụng chất DRP (Drag Reduction Polymer) như một giải pháp chống ngập mới bằng công nghệ hóa học cho TP Hồ Chí Minh.

Ông Đặng Vũ Trọng đưa phương án dùng hóa chất để chống ngập cho TP.
Theo đó, tại hội thảo chuyên đề "Thực trạng triển khai các giải pháp giảm ngập nước trong 5 năm qua và đề xuất các giải pháp và chỉ tiêu định hướng cho giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh", TS Đặng Vũ Trọng - đại diện Tập đoàn SNF từ Canada cho biết, hiện nay tại TP và nhiều nước trên thế giới đang chống ngập bằng các giải pháp như dùng bể chứa, máy bơm, cống thoát nước, kênh rạch…
Tuy nhiên, đối với các giải pháp này kinh phí thường cao nên xây dựng kéo dài, trong khi việc chống ngập là cấp bách. Chính vì vậy, ông Trọng nói có thể dùng hóa chất để… chống ngập khi giúp nước chảy nhanh hơn.
Cụ thể, theo ông Trọng, dùng chất Drap Reduction Polymer (DRP) hòa tan vào nước, có thể giúp tăng công suất dòng chảy lên tới 40% và không ảnh hưởng đến môi trường.
“Khi cho hóa chất này vào nước có thể giúp làm giảm lực cản của dòng chảy, từ đó giúp cho dòng chảy nhanh hơn. Hiện chất này cũng được dùng trong vận chuyển dầu bằng đường ống, hệ thống tưới tiêu”, ông Trọng cho biết và nói thêm rằng giải pháp này hiện được dùng ở nhiều nước.
Như từ năm 1974 tại TP Bristol của Anh đã dùng phương pháp này để chống ngập. Khi dùng chất DRP bỏ vào nước sẽ giúp công suất thoát nước tăng 30% so với thông thường đối với loại cống 300mm. Tại Mỹ chất này được dùng trong một trạm bơm ở TP Denver, bang Colorado, công suất thoát nước tăng 37%. Chính vì vậy từ năm 2002, TP Denver đã quyết định dùng chất DRP vào ứng dụng trong việc thoát nước, chống ngập.
Tại Canada vào thế vận hội mùa đông năm 2010 ở TP Whestle, chính quyền nước này đã dùng hóa chất DRP để chống ngập. Bởi TP này dân số có khoảng 10.000 dân nhưng khi có thế vận hội mùa đông, đã tiếp nhận khoảng 70.000 khách du lịch.
Trong khi đó, tại thời điểm này còn xảy ra tình trạng mưa. Do lo sợ mưa lớn cộng với nước thải tăng lên từ nhu cầu của du khách nên trong suốt thời gian này ngập lụt gần mức báo động và họ đã bơm hóa chất DRP vào các đường cống thoát nước giúp công suất tăng lên từ 20 - 30%, làm cho mực nước thấp xuống so với việc không dùng chất DRP.
Câu chuyện chống ngập ở TP luôn khiến cơ quan chức năng và người dân đau đầu
“Chất DRP là giải pháp đột phá để đối phối với vấn đề ngập lụt tại TP. Nó có thể triển khai nhanh và sử dụng hiệu quả trong thời gian ngắn cần thiết. Kinh phí đầu tư và vận hành thấp, với nồng độ ở cấp phần triệu đã giúp giải pháp này vượt trội so với giải pháp cơ khí khi một m3 nước chỉ cần dùng 20 gam chất DRP”, ông Trọng cho hay và nói thêm rằng muốn hợp tác với UBND TP để thử nghiệm.
Nếu TP đồng ý sẽ hợp tác và bàn nhiều hơn về mặt kỹ thuật. Tùy độ ngập mà có thể dùng nhiều hay ít. Ví dụ với 50m3 nước có thể dùng 1 kg hóa chất DRP chống ngập, với chi phí khoảng 4 USD. Khi ngập chỉ cần kéo một chiếc xe nhỏ, bơm hóa chất trực tiếp xuống đường cống sẽ giúp giảm ngập tức thời tại các điểm ngập nặng.
Bày tỏ quan điểm, TS Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh) tỏ ra e ngại, bởi dùng công nghệ hóa học để giảm ngập là một giải pháp mới, chưa từng áp dụng tại Việt Nam. Dù đã có một số nước áp dụng (như ông Trọng nói) nhưng vẫn phải xem xét điều kiện nước họ có hay không tương đồng Việt Nam.
"Đơn vị đề xuất cho biết đã thí nghiệm và cho kết quả khả quan, không gây ô nhiễm, cá vẫn sống được, nhưng đó là áp dụng với nước sạch. Còn với nước kênh rạch nhiều nơi rất ô nhiễm, giờ đổ thêm hóa chất vào thì liệu có bảo đảm không? Điều này cần phải được xem xét kỹ lưỡng", ông Cương nói.
Trong khi đó, TS Hồ Tuấn Đức (ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) bày tỏ lo ngại cống của TP thường có nhiều rác, làm giảm lưu lượng thoát nước. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả chống ngập khi sử dụng chất DRP.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đề nghị TP cần tập trung vào các giải pháp phi công trình trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Trong đó, điều cần làm ngay là xử phạt nghiêm các hành vi đổ rác xuống miệng cống, làm ngăn dòng chảy của nước cũng như việc lấn chiếm, kênh rạch, sông suối.