Người lao động được hỗ trợ kịp thời
Tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương - Bộ LĐTB&XH Nguyễn Huy Hưng cho biết: Tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 36.434.593 người lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.665,263 tỷ đồng.
Trong đó có nhiều chính sách đã hỗ trợ được nhiều người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đơn cử, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã điều chỉnh giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 389.800 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng khoảng 11,6 triệu người lao động với số tiền 4.164 tỷ đồng. Đối với chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, đã có 2.037.065 người được thụ hưởng số tiền 6.631,233 tỷ đồng. Thực hiện, chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, đã có 1.129.755 người được thụ hưởng 1.129,755 tỷ đồng.
Riêng chính sách hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động và lao động đặc thù, các tỉnh, TP đã thực hiện hỗ trợ cho 15.664.935 người, với tổng số tiền là 21.231,786 tỷ đồng, kinh phí từ ngân sách địa phương.
Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt với sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp TP đến cơ sở, với quyết tâm giúp người dân, DN sớm được thụ hưởng chính sách, góp phần chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân thông tin: Toàn TP Hà Nội đã thẩm định và phê duyệt hỗ trợ cho 2.610.829 lượt đối tượng với kinh phí 2.659,769 tỷ đồng. Và, đã thực hiện hỗ trợ cho 2.610.829 lượt đối tượng với kinh phí 2.659,769 tỷ đồng, 100% số đối tượng được phê duyệt đã được nhận hỗ trợ.
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh tại Hội nghị, nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhanh chóng, kịp thời; nội dung được xây dựng bám sát theo yêu cầu thực tiễn; điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ được thiết kế đơn giản, linh hoạt; công tác tổ chức thực hiện được triển khai đồng bộ. Kết quả đã thực hiện hỗ trợ được một số lượng lớn đối tượng trong thời gian ngắn, góp phần tích cực cho việc duy trì ổn định cuộc sống của người lao động, hỗ trợ cho người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, ổn định, trật tự, an toàn xã hội.
Cần có chính sách đào tạo duy trì việc làm, cho vay lãi suất 0%
Tham luận tại Hội nghị, đại biểu các Bộ, ngành, Sở LĐTB&XH Hà Nội đều cho rằng Nghị quyết số 68/NQ-CP với 12 chính sách đã hỗ trợ kịp thời người lao động, người sử dụng lao động khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ có một số hạn chế. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Bộ LĐTB&XH kiến nghị Chính phủ cho phép không tiếp tục kéo dài thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP. Về phía Bộ LĐTB&XH tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo một số tỉnh, TP hiện chưa hoàn tất việc chi trả chế độ cho các đối tượng phải hoàn thành nhiệm vụ này trước ngày 31/12/2022.
Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đại diện cho người lao động cũng đồng ý với việc không nên tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP mà giải quyết dứt điểm những hồ sơ đã đề nghị hỗ trợ. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, cuối quý 3, đầu quý 4 năm 2022, do ảnh hưởng Covid-19 và khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực, đến nay rất các DN bị cắt giảm đơn hàng dẫn đến những khó khăn trong sản xuất của các DN, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động.
Theo báo cáo từ các cấp công đoàn, hiện đã có tới hơn 624.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi cắt giảm đơn hàng phải nghỉ việc luân phiên, tạm chấm dứt hợp đồng lao động; nhưng hiện nay có số lượng lớn người lao động bị giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên. Vì thế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ có chính sách hay nghị quyết giống như Nghị quyết số 68/NQ-CP nhưng nội dung và đối tượng khác để hỗ trợ các DN, người lao động khi bị ảnh hưởng cắt giảm đơn hàng.
Bà Vi Thị Hồng Minh là Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định hầu hết 12 chính sách của Nghị quyết số 68/NQ-CP đều triển khai có hiệu quả, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động đạt được kết quả rất lớn. Tuy nhiên, có những chính sách trong quá trình triển khai thì người sử dụng lao động khi tiếp cận vẫn gặp khó khăn. Từ thực tế khi đi nắm bắt thông tin việc làm ở một số tỉnh, bà Hồng Minh có 2 kiến nghị trong giai đoạn tới: Bộ LĐTB&XH có thể xem xét đề xuất một số giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, đó là hỗ trợ DN đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Có thể quý 1 và 2/2023, các DN tiếp tục bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực nên chúng tôi mong muốn Bộ LĐTB&XH nghiên cứu tiếp tục chính sách cho DN được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc nhằm giữ chân người lao động.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra, đã hỗ trợ số lượng lớn người lao động, người sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Từ những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cũng như đề xuất của các Bộ, ngành, Bộ LĐTB&XH làm căn cứ xây dựng các chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế./.