Mục tiêu chính của Dự án có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực đường sắt này là khôi phục tuyến đường sắt kết nối Lâm Đồng với duyên hải miền Trung bị dừng khai thác từ năm 1975.
Theo đề xuất của Cục Đường sắt Việt Nam, dự án có điểm đầu tại ga Tháp Chàm (Km0+000) thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh (phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận); điểm cuối là ga Đà Lạt (Km 83+490) thuộc phường 10, TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Tổng chiều dài tuyến đường thuộc dự án khoảng 83,5km, dự kiến bao gồm 16 ga và trạm khách.
Do tuyến đường dừng khai thác quá lâu, nên ngoài việc phải đầu tư mua sắm thiết bị đầu máy, toa xe, để có thể vận tải hành khách và hàng hóa, dự án gần như phải làm mới hàng loạt công trình hạ tầng, thông tin tín hiệu; xây dựng depot, nhà xưởng sửa chữa đầu máy, toa xe khu vực depot Tháp Chàm…
Đặc biệt, đoạn tuyến từ Tháp Chàm đến Sông Pha có thể sử dụng các loại đầu máy, toa xe của đường sắt khổ 1.000mm đang khai thác. Nhưng đối với đoạn từ Sông Pha đến Đà Lạt sẽ sử dụng các loại đầu máy răng cưa và các loại toa xe có chiều dài ngắn hơn để đi qua đoạn có đường ray răng cưa và bàn kính đường cong nhỏ.
Toàn bộ tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có khổ đường 1.000mm, tốc độ thiết kế 30 - 60km/h; sử dụng đầu máy diesel, toa xe tải trọng nhẹ.
Với quy mô đầu tư như trên, dự án có tổng mức đầu tư 24.902 tỷ đồng, gồm cả lãi vay trong thời gian thi công, trong đó 3 khoản chi phí lớn nhất là bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 4.092 tỷ đồng; xây dựng 4.055 tỷ đồng; thiết bị 8.218 tỷ đồng.
Dự kiến phân chia dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt thành 3 dự án thành phần gồm: dự án thành phần 1 - bồi thường, di dời và tái định cư; dự án thành phần 2 - đầu tư xây dựng hạ tầng tuyến đường sắt đoạn ga Tháp Chàm - ga Trại Mát, dự án thành phần 3: đoạn tuyến ga Trại Mát - ga Đà Lạt đang khai thác. Trong đó, dự án thành phần 2 được chọn để thực hiện đầu tư theo phương thức PPP.
Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất sử dụng vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương hoặc địa phương) cho hạng mục chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và 1 phần hạng mục cơ sở hạ tầng trị giá 9.900 tỷ đồng (chiếm 39,8%); vốn của nhà đầu tư là 15.002 tỷ đồng (chiếm 60,2%). Đối với phần vốn của nhà đầu tư, vốn chủ sở hữu chiếm 15%, tương đương 2.250,3 tỷ đồng; vốn vay chiếm 85%, tương ứng là 12.751,7 tỷ đồng (trong đó vốn vay trong nước chiếm 100% với lãi suất 9,9%/năm).
Theo tính toán sơ bộ của Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng cho thấy, dự án có giá trị hiện tại ròng (NPV) là 345,58 tỷ đồng; tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 9,7%; tỷ suất lợi ích - chi phí (B/C) là 1,07; thời gian thu hồi vốn là 30 năm 1 tháng. Các chỉ tiêu tài chính này tốt hơn so với phương án trong đề xuất thực hiện dự án mà Công ty gửi Bộ GTVT giữa năm 2022.