Thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại 3 tỉnh, thành phố
Bộ Tư pháp đã hoàn thiện hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho một số Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An.
Theo Bộ Tư pháp, sau hơn 13 năm thi hành, Luật Lý lịch tư pháp đã thực sự đi vào cuộc sống, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và nhu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp ngày càng tăng của công dân. Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lý lịch tư pháp cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, đặc biệt là trong hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp vẫn còn tồn tại ở một số địa phương (trung bình hằng năm trên toàn quốc có khoảng 2% trường hợp bị trễ hạn). Tại một số địa phương, trong một số thời điểm, có tình trạng người dân phải xếp hàng chờ đợi nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, gây ùn ứ, ách tắc trong việc tiếp nhận hồ sơ, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Cùng đó, việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua hình thức trực tuyến chưa được thực hiện hiệu quả, đa số trường hợp người dân vẫn phải đến trực tiếp hoặc thực hiện qua bưu chính…
Hiện nay, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An là ba địa phương có số lượng yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp lớn nhất cả nước. Từ năm 2021 đến năm 2023, trung bình mỗi năm Hà Nội cấp khoảng 74.158 phiếu, thành phố Hồ Chí Minh cấp khoảng 95.980 phiếu và tỉnh Nghệ An cấp khoảng 57.014 phiếu.
Trong bối cảnh nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp còn hạn chế, việc tiếp nhận một số lượng lớn hồ sơ đã gây tình trạng quá tải.
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập này, Bộ Tư pháp cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện là một giải pháp cần thiết, phù hợp với tinh thần tăng cường phân cấp cho địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng tính chủ động của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính.
Số lượng Phòng Tư pháp được áp dụng thí điểm ít nhất là một phần ba trong tổng số Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, riêng tỉnh Nghệ An ít nhất là 5 Phòng Tư pháp. Danh sách Phòng Tư pháp thực hiện thí điểm được Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở đề xuất của UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An.
Đề xuất thời gian thực hiện thí điểm 2 năm
Bộ Tư pháp đề xuất thời gian thực hiện thí điểm là 2 năm, sử dụng nguồn nhân lực sẵn có của Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn ba địa phương này, chỉ bổ sung khi thật sự cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội bổ sung dự thảo Nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, cho ý kiến và xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Theo thống kê, năm 2023, Sở Tư pháp Hà Nội đã tiếp nhận đề nghị cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua 3 hình thức trực tiếp, bưu chính và trực tuyến với 101.688 hồ sơ. Trong đó, số lượng hồ sơ trả kết quả trước hạn và đúng hạn là 98.638 hồ sơ, đạt tỷ lệ 97%.
Hiện nay, biên chế làm việc tại các Phòng Tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội dao động từ 4 - 6 công chức, tùy thuộc vào địa bàn quận, huyện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản được bố trí đầy đủ máy tính, máy in, máy scan… kết nối internet để thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong báo cáo gửi Bộ Tư pháp mới đây, thành phố Hà Nội kiến nghị thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện trên tất cả các quận, huyện, thị xã.
Theo đánh giá của những người từng thực hiện thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, việc phân cấp cho Phòng Tư pháp các quận, huyện thực hiện chắc chắn sẽ thuận lợi hơn cho người dân, tránh quá tải cho bộ phận một cửa Sở Tư pháp; tương tự như việc Hà Nội phân cấp cho một số huyện tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép lái xe hiện nay, đang được dư luận đánh giá cao.