Đó là vấn đề đã được nói đến nhiều, đặc biệt trước làn sóng nghỉ việc, chuyển việc từ công sang tư trong thời gian qua. Vừa qua, từ thực tiễn, một lần nữa Đoàn giám sát của Quốc hội đã đề xuất thêm giải pháp về nâng mức lương khời điểm với bác sĩ làm việc tại cơ sở.
Ngành y là ngành đặc biệt, cần được đào tạo đặc biệt và sử dụng, đãi ngộ đặc biệt và sẽ thật khó để "gồng gánh", nuôi dưỡng đam mê khi áp lực công việc cao nhưng thu nhập thì không đủ để trang trải.
Trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã đề cập đến thực trạng quá tải ở các bệnh viện công khi mỗi ngày tiếp nhận nhiều bệnh nhân; mỗi bác sĩ một ngày có thể khám vài chục, thậm chí là cả trăm bệnh nhân nên rất áp lực, thậm chí họ chỉ có thể quan tâm đến căn bệnh mà không thể quan tâm đến những vấn đề khác.
Trong khi đó, lương lại chưa tương xứng với cường độ làm việc. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid -19, tại các trạm y tế xã, phường, vốn đã ít người, vừa phải đảm trách các nhiệm vụ thường xuyên, vừa phải tỏa đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, tiêm chủng vaccine nhưng lương tháng chỉ có khoảng 5 triệu đồng…
Và chỉ trong vòng hơn 2 năm qua, hàng chục nghìn người trong ngành y đã nghỉ việc hoặc chuyển việc. Việc dịch chuyển công việc cũng là chuyện bình thường nhưng dịch chuyển ồ ạt lại là một vấn đề rất đáng nói. Trong đó, ngoài nguyên nhân liên quan đến áp lực công việc, môi trường công tác, có nguyên nhân lớn đến từ thu nhập thấp.
Những giải pháp để cải thiện chế độ, chính sách đối với nhân viên ngành y đã được đưa ra. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/2/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.
Mức phụ cấp đã tăng lên 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn… Sự sửa đổi kịp thời này đã mang đến nhiều niềm vui, phấn khởi cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.
Tuy nhiên, về căn cơ vẫn chưa đủ để giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị đến năm 2024, nâng mức lương khởi điểm lên bậc 2 trong hệ thống thang bảng lương theo quy định đối với bác sĩ làm việc tại cơ sở y tế; nhân viên y tế tại y tế cơ sở hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề theo mức cao nhất đối với công chức, viên chức.
Tại cuộc kiểm tra tại các bệnh viện vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bệnh viện, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tiếp tục tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng chính sách về đầu tư, chính sách với y bác sĩ, chính sách với bệnh nhân.
Có thể lương bổng không phải là điều kiện duy nhất nhưng vẫn là những điều kiện cần để người lao động quyết định nơi gắn bó. Do đó, những đề xuất này thực sự là rất cần thiết để ngăn làn sóng chuyển việc, nghỉ việc ra khỏi các cơ sở y tế công hiện nay, đặc biệt là củng cố thêm nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Nhưng cùng với xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng là bác sĩ mới ra trường cũng cần phải có thêm những chính sách đãi ngộ tương xứng từ chính sách đãi ngộ cho tới môi trường làm việc để các nhân viên y tế yên tâm làm việc, toàn tâm toàn ý với nghề, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ giỏi.