Đi tìm giải pháp thu hút khách du lịch cho Hưng Yên

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với doanh nghiệp du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Hưng Yên năm 2023.

Hiện tỉnh Hưng Yên có 1802 di tích lịch sử văn hóa, trong đó, có 3 di tích, khu di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, 175 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia.

Giám đốc Sở VHTT&DL Hưng Yên Đỗ Hữu Nhân cho biết, thời gian qua ngành du lịch Hưng Yên đã tăng cường thu hút đầu tư hạ tầng cơ sở ngành du lịch. Đến nay đã đưa vào khai thác một số điểm phục vụ khách du lịch như khu du lịch Phố Hiến, điểm du lịch đền Đậu An, đền Đa Hòa, đền Phù Ủng, Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt… “Thời gian tới ngành du lịch Hưng Yên sẽ tập trung đầu tư khai thác du lịch sinh thái, du lịch tâm linh …” - ông Linh nhấn mạnh.

Khách du lịch thăm quan vườn nhãn lồng Hưng Yên. Ảnh: Hoaì Nam
Khách du lịch thăm quan vườn nhãn lồng Hưng Yên. Ảnh: Hoaì Nam

Tại hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp có chung phản ánh, hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí Hưng Yên không nhiều đã gây khó khăn cho doanh nghiệp du lịch khi đưa số lượng lớn du khách về trong cùng một thời điểm. Nhìn từ tổng thể, tài nguyên du lịch Hưng Yên khá tương đồng với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng nên chưa có sản phẩm đặc trưng.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch chưa chuyên nghiệp, công tác truyền thông, quảng bá chưa có đủ sức hấp dẫn du khách. Ngoài ra du lịch Hưng Yên vẫn chưa kết nối được với các tỉnh, thành phố trong khu vực để hình thành các tour, tuyến du lịch ngoại tỉnh…

Khách du lịch thăm quan đền thờ Chử Đồng Tử (Hưng Yên). Ảnh: Hoaì Nam
Khách du lịch thăm quan đền thờ Chử Đồng Tử (Hưng Yên). Ảnh: Hoaì Nam

Góp ý cho ngành du lịch Hưng Yên thu hút du khách trong thời gian tới các đại biểu đề xuất, thời gian tới địa phương cần phát triển thêm các sản phẩm đặc thù. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với các địa phương lân cận để tạo các tour, tuyến du lịch mới phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt là thị trương Hà Nội.

Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững Nguyễn Thị Thu Hạnh nêu rõ, tỉnh Hưng Yên có nhiều đặc sản, sản phẩm OCOP, do đó có thể xây dựng mâm quốc cỗ riêng đặc trưng để thu hút du khách trải nghiệm ẩm thực. Tại mỗi khu, điểm du lịch cần tổ chức các gian hàng, quầy bán sản vật, quà lưu niệm đặc trưng của tỉnh Hưng Yên… để đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách và phát triển kinh tế địa phương.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty du lịch Fivestar Travel Lương Duy Doanh hiến kế, để thu hút khách đòi hỏi ngành du lịch Hưng Yên phối hợp, liên kết chặt chẽ với các tỉnh thành lân cận như Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình… từ đó xây dựng những tour du lịch liên tuyến phục vụ du khách.

“Tuy nhiên để làm được điều này, đòi hỏi ngành du lịch Hưng Yên cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, chia sẻ thông tin điểm đến qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch xây dựng tour phù hợp thực tế”-ông Doanh kiến nghị.

Khách du lịch thăm quan vườn nhãn lồng Hưng Yên. Ảnh: Hoaì Nam
Khách du lịch thăm quan vườn nhãn lồng Hưng Yên. Ảnh: Hoaì Nam

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Công ty du lịch Sunvina Travel Tạ Hữu Chiến cho rằng, với lợi thế nông nghiệp, tỉnh Hưng Yên tạo điều kiện cho các nhà vườn đang trồng hoa, cây cảnh, rau sạch phối hợp với doanh nghiệp du lịch tổ chức tour du lịch học đường, qua đó tạo điều kiện cho các em học sinh hòa nhập thiên nhiên, kết hợp trải nghiệm làm nông nghiệp

Các đại biểu đều cho rằng thời gian tới ngành du lịch Hưng Yên cần có những cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Đồng thời đẩy liên kết với các địa phương quảng bá, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác du lịch.