Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 6 giờ sáng 11/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 7.439.294 ca mắc bệnh Covid-19, trong đó số ca tử vong là 417.956. Dịch bệnh tại Brazil đang nghiêm trọng nhất thế giới.
Thế giới ghi nhận 127.770 người nhiễm bệnh Covid-19 và 4.984 người tử vong trong 24 giờ qua. Nước có số ca mắc nhiều nhất là Brazil với 30.332 ca. Tiếp đó là Mỹ với 19.128 ca, Ấn Độ với 12.375 ca. Các nước còn lại đều ghi nhận dưới 10.000 ca mắc trong 24 giờ qua.
Số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất cũng được ghi nhận ở Brazil với 1.183 ca, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 39.680. Đứng thứ hai là Mỹ với 967 ca, tiếp đó là Mexico với 596 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Số bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi trên toàn thế giới tới nay là 3.721.870. Tuy nhiên, có 53.814 người vẫn trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ sẽ tiến hành các nghiên cứu quan trọng về 3 loại vaccine Covid-19
Tiến sỹ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, hôm 10/6 cho biết chính phủ nước này sẽ tài trợ và thực hiện các nghiên cứu quan trọng về 3 loại vaccine thử nghiệm phòng virus SARS-CoV-2 .
Trả lời trên kênh truyền hình CNN, Tiến sỹ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Nghiên cứu Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cho biết nỗ lực điều chế vaccine ngừa bệnh Covid-19 đang tiến triển rất tốt và hy vọng sẽ có nhiều hơn một loại vaccine được thử nghiệm lâm sàng vào đầu mùa Hè.
Ông Fauci khẳng định đây là một tin tốt đối với nỗ lực tổng thể nhằm tìm ra loại vaccine phòng virus hiệu quả.
Theo tiến sĩ Fauci, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh quyết định tài trợ các nghiên cứu cùng với sự tư vấn của Viện Y tế Quốc gia và các cơ quan khác.
Ngoài ra, ông Fauci cũng cho biết các kế hoạch thử nghiệm vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch mà ông đã đề xuất trước đó và sẽ có một loại vaccine vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Theo truyền hình CNN, giai đoạn thử nghiệm 3 với sự tham gia của hàng chục nghìn người sẽ được thực hiện trong thời gian tới nhằm đánh giá độ an toàn và hiệu quả của một loại vaccine tiềm năng.
Một loại vaccine của hãng dược phẩm Moderna sẽ được tiến hành thử nghiệm vào tháng 7, một loại của Oxford/AstraZeneca được tiến hành vào tháng 8 và một của Johnson & Johnson sẽ được tiến hành vào tháng 9 tới. Các chuyên gia đã dự báo rằng khoảng 1 năm nữa mới có vaccine phòng bệnh Covid-19.
Đức dỡ bỏ kiểm soát biên giới với nhiều nước
Tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer cho biết nước này sẽ dỡ bỏ kiểm soát biên giới với Thụy Sĩ, Pháp, Áo và Đan Mạch từ ngày 15/6 tới, song lưu ý rằng chính phủ sẽ cân nhắc lại nếu tình hình dịch bệnh xấu đi. Ông Seehofer cũng cho biết các quy định hiện hành đối với những người không phải công dân EU muốn tới Đức vẫn được duy trì tới cuối tháng 6.
Trong khi đó, một nguồn tin chính phủ cùng ngày cho biết từ tuần tới, Đức sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với các lao động thời vụ vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Theo nguồn tin này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chấp thuận các đề xuất của Bộ trưởng Nông nghiệp Julia Kloeckner, cho phép các lao động thời vụ đến từ các nước thuộc EU và khu vực tự do đi lại Schengen có thể nhập cảnh vào Đức từ ngày 16/6 mà không phải chịu các biện pháp hạn chế.
Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng được yêu cầu thực hiện các tiêu chuẩn vệ sinh. Các lao động được chia thành các nhóm cố định nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan. Quy định mới này sẽ được áp dụng tới ngày 31/12.
Ấn Độ tiếp tục ghi nhận trên 10.000 ca nhiễm mới
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 12.375 ca nhiễm bệnh Covid-19, đưa tổng số bệnh nhân lên 287.155 người, trong đó có 8.107 trường hợp tử vong.
Các bang bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất là Maharashtra với 90.787 ca, Tamil Nadu - 34.914 ca và New Delhi - 31.309 ca. Chính quyền thành phố New Delhi thậm chí dự báo số ca mắc bệnh Covid-19 tại thủ đô có thể tăng lên mức 550.000 ca vào cuối tháng 7 tới.
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết chính phủ đã cử các đội y tế trung ương đến 15 bang và vùng lãnh thổ liên bang để hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác ngăn ngừa dịch bệnh và xử lý các ổ dịch.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan khẳng định nước này đang ở vào trạng thái tốt hơn so với nhiều quốc gia khác trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, song ông cảnh báo không được phép lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch.
Trước đó, hôm 9/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá đại dịch Covid-19 đang trở nên tồi tệ trên toàn cầu và hiện không phải là thời điểm thích hợp để các nước chủ quan.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu tổng hợp Nomura cho rằng Ấn Độ nằm trong nhóm 15 quốc gia có nguy cơ cao, nơi việc nới lỏng lệnh phong tỏa có thể làm gia tăng đột biến các ca bệnh mới, buộc giới chức phải tái áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt./.