Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điện Kremlin để ngỏ kịch bản mới về hiệp ước hạt nhân với Mỹ

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện 2 cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân chưa ấn định thời gian đàm phán cho các cuộc thanh sát tiếp theo.

Mỹ mới đây cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước New Start, trụ cột chính cuối cùng của việc kiểm soát vũ khí hạt nhân thời hậu chiến tranh lạnh giữa hai nước, nói rằng Moscow từ chối cho phép các hoạt động thanh tra trên lãnh thổ của mình.

Hiệp ước có hiệu lực vào năm 2011 và được gia hạn 5 năm vào 2021, theo đó giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như việc triển khai các tên lửa và máy bay ném bom trên bộ và trên tàu ngầm để vận chuyển chúng.

Hai nước này, trong thời kỳ chiến tranh lạnh bị hạn chế bởi một loạt thỏa thuận kiểm soát vũ khí, hiện cùng sở hữu khoảng 90% số đầu đạn hạt nhân của thế giới.

Washington rất muốn duy trì hiệp ước nhưng mối quan hệ với Moscow, vốn tồi tệ trong nhiều thập kỷ, trở nên xấu đi sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, khiến nỗ lực của chính quyền Joe Biden để đạt được một thỏa thuận tiếp theo trở nên khó khăn hơn.

Vào tháng 8/2022, Moscow đã ngừng hợp tác trong các cuộc thanh sát theo hiệp ước, đổ lỗi cho hạn chế đi lại do Washington và đồng minh áp đặt sau khi lực lượng Nga tấn công Ukraine vào tháng 2/2022, nhưng cho biết họ vẫn cam kết tuân thủ các điều khoản của hiệp ước.

Đàm phán giữa Moscow và Washington về việc nối lại các cuộc thanh sát theo New Start dự kiến diễn ra vào tháng 11 tại Ai Cập, nhưng Nga đã hoãn tất cả, cáo buộc Mỹ "độc hại và thù địch", và không bên nào ấn định lịch mới.

Đầu tuần này, Nga cho Mỹ biết hiệp ước có thể hết hạn vào năm 2026 và không có hiệp ước nào thay thế vì cho rằng Washington đang gây khó khăn cho Moscow ở Ukraine.

Khi được hỏi về khả năng không có hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân sau năm 2026, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trả lời hãng thông tấn quốc gia RIA: “Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra”.