Điều chỉnh đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chính phủ đã hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có điều chỉnh quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất, tại Điều 30, quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Chính phủ hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có điều chỉnh quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ảnh minh họa: Internet.
Chính phủ hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có điều chỉnh quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ảnh minh họa: Internet.

So với bản dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đầu tiên, bản dự thảo mới nhất đã điều chỉnh bổ sung nội dung: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thuộc đối tượng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định khi Nhà nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.

Người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng thấp nhất do Chính phủ công bố và cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.

Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Bộ LĐTB&XH, năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 17,49 triệu người (tăng 34,02% so với năm 2016), chiếm 33,89% lực lượng lao động, chiếm 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 16,03 triệu người (tăng 24,74% so với năm 2016), số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,46 triệu người (tăng 619% so với năm 2016).

Nếu tính chung giai đoạn 2016 – 2022 thì tốc độ tăng trưởng bình quân số người tham gia bảo hiểm xã hội là 5%, trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 3,75%/năm, bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 38,93%.

Mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 5.730.058 đồng; trong đó người lao động khu vực DN nhà nước có mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội cao nhất là 6.696.365 đồng; thấp nhất là cán bộ không chuyên trách cấp xã 1.490.000 đồng. Mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1.686.259 đồng.