Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Định hình chuẩn mực văn hóa ứng xử

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 6 năm triển khai, thực hiện 2 Quy tắc ứng xử (QTƯX) trên địa bàn TP Hà Nội đã tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng ngườiHà Nội thanh lịch, văn minh.

Kết quả này đến từ việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động song hành với sáng tạo, nhân rộng những cách làm hay, mô hình điểm.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ

Ngày 25/1/2017, TP Hà Nội ban hành QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ) trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội. Quy tắc nhằm mục đích xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ CBCCVCNLĐ Thủ đô “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện”, định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, trong gia đình cũng như xã hội. Qua đó góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Cán bộ bộ phận một cửa quận Tây Hồ hướng dẫn người dân đăng ký làm thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Hải
Cán bộ bộ phận một cửa quận Tây Hồ hướng dẫn người dân đăng ký làm thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Hải

Năm 2023 tiếp tục là năm tạo nhiều dấu ấn về đưa QTƯX vào đời sống thông qua hàng loạt hoạt động bao trùm. Có thể kể đến, Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền QTƯX nơi công cộng” TP Hà Nội năm 2023; cuộc thi và triển lãm ảnh về QTƯX của CBCCVCNLĐ trong các cơ quan TP Hà Nội năm 2023; hội thi cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi TP Hà Nội” lần thứ I - năm 2023; tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Thực trạng và giải pháp”… Tất cả nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai hai QTƯX gắn với xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ cơ sở.

Qua hơn 6 năm thực hiện có thể thấy, nhận thức của CBCCVCNLĐ được nâng lên rõ rệt, chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị về thời gian làm việc. Việc gắn thực hiện QTƯX với cải cách hành chính, đánh giá kết quả hoạt động đã giúp cán bộ, công chức nâng cao ý thức thực hiện văn hóa ứng xử. Tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, tạo sự đột phá trong việc chấp hành kỷ cương của các cơ quan trong hệ thống chính trị, từ đó lan tỏa tới cộng đồng xã hội.

Bên cạnh đó, việc thực hiện QTƯX giúp thay đổi hành vi ứng xử, tư duy, thái độ, tăng cường kỷ luật công vụ của CBCCVCNLĐ. Ngoài ra, các đơn vị đã chủ động, nghiêm túc triển khai QTƯX; xây dựng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả để lồng ghép thực hiện QTƯX với các phong trào thi đua và việc thực hiện nhiệm vụ như: mô hình “Một cửa thân thiện, gần dân” tại quận Long Biên; mô hình “Phòng làm việc ngăn nắp, xanh tươi” tại huyện Gia Lâm; mô hình “Môi trường thân thiện” của Sở GD&ĐT…

Đơn cử, tại bộ phận một cửa phường Thạch Bàn (quận Long Biên), cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, bố trí thuận lợi cho công dân đến giao dịch. Bảng QTƯX được niêm yết rõ ràng, không gian thoáng đãng với nhiều cây xanh. Đặc biệt, bộ phận một cửa của phường Thạch Bàn còn bố trí nút bấm chuông để người dân khi cần hỗ trợ có thể nhận được ngay sự giúp đỡ từ cán bộ chuyên môn.

Hiện nay, 14/14 phường trên địa bàn quận Long Biên đang thực hiện mô hình “Một cửa thân thiện, gần dân”. Quận cũng đang dự thảo bộ tiêu chí một cửa văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp. Quận sẽ lấy khung mô hình một cửa mới của TP, đồng thời có thêm những sáng kiến, sáng tạo trong thực hiện nhằm tăng thêm sự hài lòng của người dân.

Những kết quả trong thực hiện bộ QTƯX đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự sáng tạo, năng động trong quản lý, điều hành và hoạt động của các cơ quan, đơn vị; tạo ra những động lực mới cho sự phát triển, hạn chế tối đa tiêu cực. Bộ QTƯX cũng góp phần quan trọng trong xây dựng nếp sống, môi trường và con người văn hóa, đóng góp rõ nét vào xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, là cơ sở vững chắc để xây dựng, hình thành và giữ vững con người Thủ đô văn minh – thanh lịch.

Linh hoạt, sáng tạo

Khác với Bộ QTƯX dành cho CBCCVCNLĐ được áp dụng trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội, QTƯX nơi công cộng được áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn Thủ đô.

Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, QTƯX công cộng trên địa bàn TP Hà Nội đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong văn hóa ứng xử của cộng đồng. Kết quả này đến từ việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động song hành với sáng tạo, nhân rộng những cách làm hay, mô hình điểm. Từ hiệu quả rõ rệt ấy, ngành văn hóa Thủ đô đang tích cực lan tỏa những cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng thực hiện QTƯX nơi công cộng.

Đó là các mô hình “Chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung, không lấn chiếm biến thành của riêng gia đình”; mô hình “Nhân dân, tiểu thương khu phố cổ thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ”; mô hình “Tiểu thương giao tiếp thân thiện khi mua, bán hàng hóa, niêm yết giá, nguồn gốc sản phẩm, không sử dụng hóa chất độc hại”…

Đặc biệt, xây dựng “Chợ văn minh” đang là mô hình mà các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội triển khai gắn với việc thực hiện QTƯX nơi công cộng. Tại chợ Thái Hà, một trong những khu chợ truyền thống thuộc quận Đống Đa hôm nay đã có nhiều đổi khác. Không còn nhìn thấy tình trạng bừa bộn, bày bán hàng ra lối đi chung, hay tình trạng bán hàng rong bên ngoài chợ như trước, thay vào đó không gian chợ thoáng đãng, rác thải được dọn gọn gàng, sạch sẽ. Khi triển khai thực hiện mô hình “Chợ văn minh”, các hộ kinh doanh, tiểu thương tại chợ Thái Hà cam kết thực hiện tốt QTƯX tại chợ với những nội dung nên làm và không nên làm.

Theo đó, những ứng xử nên làm như: niêm yết giá và nguồn gốc sản phẩm; cung cấp, trao đổi thông tin, giao tiếp đúng mực; xếp hàng khi mua bán; sử dụng bao bì, túi đựng thân thiện với môi trường. Những ứng xử không nên làm như: mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng; nói sai, cân đong gian dối; gây mất an ninh trật tự; mua, bán ngoài phạm vi quy định… Thực hiện tốt QTƯX nơi công cộng của TP, các hộ kinh doanh, bà con tiểu thương góp phần từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa, gìn giữ và phát triển truyền thống tốt đẹp của Thủ đô.

Ngoài những mô hình do TP triển khai, tại các quận, huyện, thị xã cũng xây dựng những mô hình riêng đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Để triển khai thực hiện bộ QTƯX, tại quận Long Biên rất nhiều mô hình, sáng kiến đã được xây dựng từ các đoàn thể như MTTQ, Liên đoàn Lao động, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…

Đặc biệt, từ nhiều năm nay, ngành giáo dục quận Long Biên đã triển khai mô hình “Trường học sáng, xanh, sạch, đẹp”, sau đó là “Trường học sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh”. Trong năm 2022, quận triển khai thêm một tiêu chí đó là “Hạnh phúc”. Cũng trong năm 2022, quận Long Biên đã triển khai nhân rộng việc thực hiện “Văn hóa cúi chào” mà trước đây được triển khai ở Trường THCS Đô thị Việt Hưng và hiện nay quận đã triển khai đến tất cả các trường mầm non, tiểu học, THCS. “Khoanh tay – mỉm cười – cúi chào” là nét đẹp trong văn hóa giao tiếp đang được lan tỏa trong các em học sinh và các thầy cô giáo tại các trường học trên địa bàn quận Long Biên.

Có thể thấy, hơn 6 năm qua, việc triển khai, thực hiện 2 QTƯX đã được lãnh đạo và Nhân dân TP duy trì thành nền nếp, thường xuyên, liên tục, phù hợp với tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi ứng xử của cá nhân, tổ chức trên địa bàn TP phù hợp với chuẩn mực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.