Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mô hình đô thị vệ tinh của Hà Nội

Định hình lại quy hoạch để phát triển sát thực tế

Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó có định hướng xác định lại mô hình và lộ trình phát triển các đô thị vệ tinh (ĐTVT) để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên.

Định hướng này đã nhận được nhiều góp ý của giới chuyên gia trong bối cảnh sau 12 năm triển khai, mô hình ĐTVT đã không thật sự hiệu quả trên thực tiễn.

Đánh giá rõ hiệu quả để có bài học kinh nghiệm

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 (Quy hoạch chung 1259) xác định mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm và 5 ĐTVT là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Tuy nhiên, đánh giá về những tồn tại của Quy hoạch chung 1259 sau 12 năm triển khai, đại diện Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng), đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch chung đã nêu, mô hình phát triển chùm đô thị chưa đạt được yêu cầu, phát triển đô thị chưa đồng đều và chưa tương xứng với tiềm năng, tiến độ triển khai các ĐTVT theo quy hoạch còn chậm.

Người dân xem sa bàn quy hoạch chung khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân xem sa bàn quy hoạch chung khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Trên thực tế có thể nhìn nhận, sau hơn một thập kỷ triển khai rất nhiều những yếu tố để ĐTVT phát triển đều chưa được hình thành như giao thông kết nối, cơ chế thu hút đầu tư và các vấn đề về đất đai… Thạc sĩ, KTS Hoàng Long – Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, mật độ mạng lưới đường tại các ĐTVT mới chỉ đạt từ 1 – 1,2km/km2.

Các tuyến đường hiện tại chủ yếu vẫn là đường cấp xã, thôn, quy mô mặt cắt nhỏ, chưa có các tuyến đường liên kết tới các khu vực đô thị mới, dẫn tới thiếu động lực để phát triển. Bên cạnh đó, mạng lưới vận tải công cộng chưa được hoàn thiện, hiện tại chỉ có tuyến buýt thường trên các trục đường chính như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 21, Quốc lộ 1, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, Đường Thăng Long – Nội Bài, Nhật Tân – Nội Bài…

Việc chậm triển khai các đồ án quy hoạch phân khu đô thị tại các ĐTVT dẫn đến việc các đồ án quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư phát triển đô thị tại các khu vực này đều bị đình trệ, đến nay mới chỉ có 2 ĐTVT hoàn thành quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 là Xuân Mai và Phú Xuyên. Tại các ĐTVT, tỷ lệ đất nông nghiệp vẫn chiếm đa số, hơn một nửa lao động trong các khu vực dự kiến hình thành ĐTVT vẫn đang hoạt động nông nghiệp…

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho hay, mục tiêu ban đầu quy hoạch 5 ĐTVT đã rất rõ. Đó là tạo lập không gian đô thị, hỗ trợ, giảm tải nhiều chức năng cho đô thị trung tâm, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô, nhằm bảo đảm cho Hà Nội phát triển bền vững. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế chính sách và cả những yếu tố khách quan như kinh tế suy thoái, dịch bệnh nên những vấn đề đặt ra không được giải quyết trọn vẹn. “Do vậy trong điều chỉnh Quy hoạch chung lần này cần phải đánh rất rõ hiệu quả mô hình 5 ĐTVT để thấy được nguyên nhân của những tồn tại nhằm tính toán có bước đi hợp lý trong giai đoạn tới” – ông Trần Ngọc Chính lưu ý.

Duy trì hai đô thị vệ tinh

Trong tờ trình gửi HĐND TP tại kỳ họp đầu tháng 7/2023 về việc thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, UBND TP Hà Nội vẫn giữ nguyên định hướng hình thành các ĐTVT, bên cạnh đó đề xuất mô hình "Thành phố trong Thành phố", với TP phía Bắc và phía Tây trực thuộc Thủ đô.

Do đô thị Xuân Mai, Hòa Lạc gộp vào thành TP phía Tây; đô thị vệ tinh Sóc Sơn nhập vào TP phía Bắc nên định hướng chỉ còn lại hai đô thị vệ tinh Sơn Tây và Phú Xuyên. Trong đó, Sơn Tây được định hướng là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và Phú Xuyên sẽ trở thành đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa.

Góp ý vào định hướng của Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thể hiện quan điểm nhất trí với cấu trúc đô thị gồm đô thị trung tâm và các ĐTVT cùng mô hình "Thành phố trong Thành phố". Tuy nhiên lưu ý cần khắc phục hạn chế rút ra từ thực tiễn hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung 1259.

Để triển khai thành công quy hoạch, theo ông Lê Quang Hùng cần đầu tư đồng bộ, ĐTVT hay "Thành phố trong Thành phố” phải có đầy đủ cấu trúc của một đô thị hoàn chỉnh để đáp ứng mọi nhu cầu của người dân đến sinh sống và làm việc. Và để làm được như vậy đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, do đó khâu tổ chức thực hiện quy hoạch phải cân đối, bố trí nguồn lực, thời gian thực hiện hợp lý cũng như tính pháp lý cho các mô hình phát triển mới. Thậm chí có cơ chế để kêu gọi tư nhân vào phát triển các ĐTVT này.

Trước câu hỏi trong đợt điều chỉnh này, TP vẫn giữ nguyên định hướng hình thành các đô thị vệ tinh và đề xuất mô hình "Thành phố trong Thành phố", vậy làm thế nào để cấu trúc này không có sự chồng chéo và phát huy được hết chức năng của từng khu vực, KTS Lê Hoàng Phương - Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội, Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, thực ra khái niệm ĐTVT hay "Thành phố trong Thành phố" cũng là thể hiện mong muốn của từng giai đoạn.

Giai đoạn trước đây khi chúng ta có kế hoạch di dời các trường đại học, bệnh viện… từ trung tâm ra khỏi khu vực nội đô ra ngoại thành thì đã xác định những chức năng đấy sẽ được kết nối ở ĐTVT. Tuy nhiên trong giai đoạn vừa qua, do những khó khăn nguồn lực nhất định, chúng ta đã không làm tốt công tác kết nối giao thông ra các khu vực đó, dẫn đến nhiều chức năng mong muốn di dời ra khu vực bên ngoài chưa làm được.

Theo KTS Lê Hoàng Phương, thời điểm hiện nay việc di dời, chia sẻ các chức năng từ bên trong khu vực đô thị trung tâm ra bên ngoài vẫn là cần thiết vì khu vực nội đô của Hà Nội không có đủ điều kiện để phát triển. Tất nhiên, trong quá trình nghiên cứu đơn vị tư vấn phải xem xét việc di dời ra không gian bên nào: Không gian xung quanh Vành đai 4 hay các thị trấn sinh thái hoặc ra các khu vực mà chúng ta đã gọi là ĐTVT trước đây?

Thực tế thì cả 5 khu vực này đều là khu vực đô thị hiện có, chúng ta chỉ giao cho họ trách nhiệm và cần có đầu tư quản lý phù hợp. Cũng tương tự như vậy, chúng ta đang nghiên cứu xem xét những khu vực nào chúng ta sẽ áp dụng cơ chế "Thành phố trong Thành phố" hoặc cơ chế TP trong Thủ đô. Nội dung này đang nghiên cứu để làm rõ, để thể hiện mong muốn làm sao chúng ta có được điều kiện về mặt nguồn lực, cơ chế thúc đẩy xây dựng các khu chức năng, đặc biệt triển khai nhanh việc di dời, hỗ trợ phát triển Hà Nội. “Các giải pháp cụ thể hiện nay chúng tôi đang cố gắng cụ thể hóa trong Quy hoạch Thủ đô nói chung và điều chỉnh Quy hoạch 1259” – KTS Lê Hoàng Phương chia sẻ.

 

Đến thời hiện nay vẫn xác định cấu trúc đô thị Hà Nội là khu vực đa trung tâm gồm TP trung tâm; bổ sung hai "Thành phố trong Thành phố" ở phía Bắc sông Hồng và phía Tây TP, kế thừa các nội dung của quy hoạch ĐTVT đã nghiên cứu; hai ĐTVT Phú Xuyên và Sơn Tây còn lại được nghiên cứu một cách cụ thể hơn, gắn với yêu cầu phát triển của Thủ đô giai đoạn tới và các thị trấn sinh thái. Chúng tôi đã có nghiên cứu bảo đảm thời gian tới có đầy đủ chính sách để duy trì quy hoạch này có tính khả thi cao.
Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh