Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đìu hiu lễ hội thời dịch nCoV

Thanh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chùa Hương đón lượng khách bằng 1/3 so với những ngày diễn ra lễ hội của năm trước, thuyền đò xếp hàng chờ đợi ở bến Yến; Khu di tích lịch sử đền Hùng cũng chỉ đón vài trăm người du Xuân dịp đầu năm Canh Tý… Từ ngày 1/2, những lễ hội đã khai màn vắng vẻ, lễ hội chưa khai mạc dừng tất cả các hoạt động theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTT&DL. Đìu hiu người đi lễ đầu Xuân.

Hàng năm, mỗi dịp Xuân về, khu di tích đền Trần (Nam Định) đón nhận hàng nghìn người du Xuân, nhưng năm 2020 không gian nơi đây vắng vẻ. Ảnh: Thanh Loan
Lễ hội chùa Hương khai mạc vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Chỉ tính riêng ngày đầu khai hội, Ban tổ chức đón hơn 5 vạn lượt khách đến du Xuân. Từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 tháng Giêng Xuân Canh Tý, ước tính có khoảng 15 vạn lượt khách đến với chùa Hương. Tuy nhiên, 2 ngày sau lễ khai hội, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã phải thông báo thu hẹp các hoạt động lễ hội để phòng, chống dịch bệnh do virus Corona đang xuất hiện và lây lan trong cộng đồng. Thông thường, dịp cuối tuần đầu tiên sau lễ khai hội, khu danh thắng Hương Sơn sẽ đón khoảng 6 - 8 vạn lượt khách về du Xuân mỗi ngày. Đây là những ngày cao điểm của lễ hội nên thường xảy ra tình trạng tắc đò, tắc cáp… hoặc những mặt trái như chủ đò chèo kéo khách, đòi thêm tiền của du khách…
 Lượng khách vắng vẻ tại chùa Hương
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, thứ Bảy và Chủ nhật (ngày 1 và 2/2), lượng khách đến chùa Hương chưa đến 1,5 vạn người (bằng 1/4 so với mọi năm). Thuyền đò ế khách nên xếp hàng dài chờ ở bến Yến. Trưởng Ban quản lý Khu di tích danh thắng chùa Hương Nguyễn Bá Hiển cho biết: “Với tinh thần phòng chống dịch bệnh, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương khuyến cáo cán bộ, người dân và du khách tham gia hoạt động của lễ hội phải đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người tại một điểm, tăng cường tuyên truyền vệ sinh môi trường trong không gian lễ hội”.
Bến Yến (chùa Hương) chiều 2/2. Ảnh: Duy Từ
Ngoài khu danh thắng Hương Sơn (chùa Hương), hai ngày cuối tuần vừa qua, tại các điểm di tích du Xuân khác như: Khu di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ), Phủ Giầy và đền Trần (Nam Định), chùa Phật tích (Bắc Ninh)… hiu hắt người đi lễ. Ngày 1/2, Bộ VHTT&DL đã cử các đoàn đi kiểm tra thực tế việc thực hiện tạm dừng tổ chức lễ hội tại các địa phương. Cụ thể, các đoàn kiểm tra do Cục Văn hóa cơ sở chủ trì đã tới kiểm tra thực tế tại các lễ hội lớn, bao gồm lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc); lễ hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ).
Đây là hai lễ hội lớn, thường được tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng hàng năm và đều là những địa chỉ thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương về tham dự. “Quá trình kiểm tra cho thấy chính quyền các địa phương cũng như Ban tổ chức hai lễ hội đều đã chấp hành rất nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công điện của Bộ VHTT&DL. Ban tổ chức 2 lễ hội dù đã có công tác chuẩn bị từ trước nhưng đã dừng không tổ chức, tất cả đều tập trung cho công tác phòng dịch” - lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở cho biết.
 Thông báo từ Ban tổ chức lễ hội chùa Hương
Ngay trong tuần sau, Cục Văn hóa cơ sở sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tới các địa phương có dịch do virus Corona như Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Khánh Hòa cùng các địa phương có các lễ hội lớn, hàng năm thu hút đông đảo Nhân dân và du khách như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh… để tiếp tục kiểm tra việc triển khai thực hiện dừng tổ chức lễ hội tại các địa phương này. “Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ VHTT&DL yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Căn cứ diễn biến tình hình thực tế sẽ yêu cầu một số địa phương có dịch dừng hết mọi hoạt động tại lễ hội và di tích” – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.