Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Thanh Hải |
Trách nhiệm trong xây dựng pháp luậtNhư nguyên Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, nhiệm kỳ 2016 - 2021, các ĐB Quốc hội thuộc Đoàn TP Hà Nội đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người ĐB Nhân dân, tích cực tham gia làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với cử tri, đóng góp vào hoạt động của Quốc hội. Các ĐB đã có nhiều ý kiến thiết thực, mang giá trị thực tiễn cao để hoàn thiện các dự án luật, bộ luật được trình ra Quốc hội.Nhiều cách làm mới, hiệu quả hơn trong việc góp sức vào công tác xây dựng pháp luật đã được thực thi. Trong đó, lấy ý kiến vào các dự án luật đã trở thành hoạt động thường xuyên của Đoàn. Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Đoàn đã tổ chức lấy ý kiến góp ý vào 66 dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, sau khi nhận được dự thảo luật, Đoàn đã xây dựng kế hoạch và gửi các chuyên gia, các ngành, tổ chức, đơn vị, đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh trực tiếp của dự án luật trên địa bàn TP để thu thập ý kiến, góp ý bằng nhiều hình thức từ trực tiếp tới gián tiếp, thông qua trang thông tin điện tử.Các ý kiến góp ý được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có tính thực tiễn và lý luận cao này là một phần quan trọng để ĐB Quốc hội trong Đoàn có những phát biểu sát thực nhất tại nghị trường. Như nhiều cử tri nhận định, trong các phiên thảo luận luật, các ĐB của Đoàn Hà Nội đều thảo luận, tranh luận rất cởi mở, thẳng thắn. Qua đó, nhiều bộ luật, pháp lệnh, nghị quyết được xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước.Gắn bó mật thiết với cử triĐể thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu giải quyết ý kiến xác đáng của cử tri, Đoàn đã tổ chức 543 hội nghị tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau các kỳ họp Quốc hội. Qua đó, đã tổng hợp 558 ý kiến, kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư; 914 ý kiến, kiến nghị gửi đến UBND TP. Điểm mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri nhiệm kỳ này là các ĐB không chỉ tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử của mình mà còn ở đơn vị bầu cử khác, giúp ĐB nắm được toàn diện tình hình TP và ý kiến, nguyện vọng của người dân để phản ánh tới Quốc hội. Đặc biệt, hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề, nơi cư trú… được đẩy mạnh với 23 hội nghị. Qua đó, ĐB lựa chọn những vấn đề bức xúc để chất vấn tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở các kỳ họp.Cùng với đó, Đoàn đã tổ chức 11 đoàn giám sát, khảo sát chuyên đề với những nội dung phù hợp với tình hình địa phương, giúp cung cấp thông tin đầy đủ, sát thực phục vụ ĐB nghiên cứu, tham gia ý kiến sửa đổi các luật, chính sách vĩ mô và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Cũng trong 5 năm qua, các ĐB đã tiếp 2.620 lượt công dân đến kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận 8.336 đơn, thư. Như ĐB Đào Tú Hoa nhận định, thông qua công tác giám sát, tiếp công dân, Đoàn đã tổng hợp một cách đầy đủ, trách nhiệm và chuyển đến các bộ, ngành có liên quan; đồng thời giám sát việc trả lời, thực hiện những kiến nghị chính đáng của cử tri. ĐB Quốc hội Hoàng Văn Cường nhìn nhận, Đoàn ĐB Quốc hội TP là Đoàn thành công nhất trên tất cả phương diện. Đó là niềm tự hào, là niềm tin đã tiếp thêm sức mạnh để các ĐB Quốc hội TP Hà Nội có động lực được tiếp tục đóng góp, cống hiến, hoạt động tốt hơn nữa.Đặc biệt, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hà Nội triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, không còn HĐND phường, vai trò của Đoàn ĐB Quốc hội TP càng quan trọng hơn nữa. Như nhiều ý kiến kỳ vọng, công tác xây dựng pháp luật, tiếp xúc cử tri, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám sát chuyên đề… sẽ tiếp tục có những đổi mới, để nâng cao hơn nữa về chất. Mỗi ĐB phải sâu sát hơn nữa, nắm bắt kịp thời, giải quyết được những tâm tư, nguyện vọng của cử tri, vấn đề bức xúc trên địa bàn, để từ đó mới có thể góp sức vào ban hành các chính sách pháp luật sát thực tế. Đồng thời, đóng góp thiết thực, hỗ trợ TP trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.