Doanh nghiệp châu Âu "trả giá" vì chiến sự Nga - Ukraine?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi các nhà sử học viết về những tác động lâu dài của chiến sự tại Ukraine, có lẽ họ nên xem qua báo cáo hàng năm của các công ty châu Âu.

Thời báo Tài chính tuần trước thống kê rằng các doanh nghiệp lớn nhất của Châu Âu cho đến nay đã bị thiệt hại trực tiếp hơn 100 tỷ euro lợi nhuận do ngừng hoặc thu hẹp hoạt động tại Nga. Trên thực tế, đây chỉ là một phần nhỏ của cái giá thực phải trả. 

Lợi nhuận của nhiều công ty châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng vọt hoặc sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan tới chiến sự tại Ukraine. Ảnh: FT
Lợi nhuận của nhiều công ty châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng vọt hoặc sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan tới chiến sự tại Ukraine. Ảnh: FT

Trong số 609 báo cáo thường niên và báo cáo tài chính Financial Times tiếp cận, 176 công ty ít nhiều bị ảnh hưởng. Hầu hết tất cả đều đề cập đến tác động trừng phạt đối với lợi nhuận do giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng vọt hoặc sự gián đoạn chuỗi cung ứng sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào năm ngoái.

Tập đoàn siêu thị Hà Lan Ahold Delhaize đã nói về “chi phí gia tăng trong chuỗi giá trị . Sự chậm trễ của chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động”. Những diễn biến này đã ảnh hưởng đến “việc định giá, kết quả và dòng tiền của bảng cân đối kế toán. Lãi suất tăng chủ yếu ảnh hưởng đến các khoản nợ phải trả cho thuê, nghĩa vụ lương hưu và dự phòng tự bảo hiểm của công ty, giá cả tăng làm tăng áp lực lên tỷ suất lợi nhuận”. Nói cách khác, hầu như không có một khía cạnh nào của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng.

Định lượng chi phí thực tế của những tác động gián tiếp đó là gần như không thể. Nhưng một số công ty - đặc biệt là những công ty có ít hoặc không có mặt ở Nga - cũng chịu thiệt hại nhất định.

Saint-Gobain, tập đoàn vật liệu xây dựng, cho biết đã phải chịu mức tăng hàng năm khoảng 3 tỷ euro do chi phí năng lượng và nguyên liệu thô do xung đột.

Telia, công ty viễn thông Thụy Điển, cho biết chi phí năng lượng đã tăng thêm 74,5 triệu USD vào năm 2022. Ryanair ước tính họ sẽ mất tới 2 triệu hành khách vào năm 2023 do hủy tất cả các chuyến bay đến và đi từ Ukraine.

Và Georg Fischer, tập đoàn đường ống Thụy Sĩ, lưu ý rằng chiến tranh đã khiến giá năng lượng tăng 100% vào năm 2022; chỉ cần tăng 25% trong hóa đơn năng lượng sẽ dẫn đến chi phí phụ trội khoảng 19,4 triệu USD, tạo nên “tác động tài chính quan trọng”.

Theo Trường Kinh tế Kiev, Nga chỉ chiếm 3% doanh thu toàn cầu của các công ty nước ngoài niêm yết có mặt tại nước này trước chiến tranh. Tuy nhiên, dù có hiện diện ở Nga hay không, các doanh nghiệp hiện đang chuẩn bị cho sự biến động và không chắc chắn trong dài hạn. Nga chiếm khoảng một phần ba doanh thu tại Technip Energies, nhà cung cấp dịch vụ năng lượng của Pháp.

 Có thể hệ quả lâu dài nhất của cuộc chiến là khiến các doanh nghiệp châu Âu buộc phải tìm phương thức hoạt động hiệu quả và cạnh tranh hơn.