Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga mạnh mẽ nhờ có được công nghệ của phương Tây?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp hàng loạt lệnh cấm vận, các vi mạch phương Tây được sử dụng trong nhiều công nghệ tiên tiến vẫn đang tiếp tục chảy vào Nga, qua đó gia tăng sức mạnh đáng kể cho kho vũ khí quân sự của nước này.

Những dòng chảy thương mại mạnh mẽ

Dữ liệu thương mại và các bản kê khai được phân tích bởi CNBC đã chỉ ra, Moscow vẫn đang tích cực tìm nguồn cung ứng chất bán dẫn và các công nghệ tiên tiến khác của phương Tây, thông qua các quốc gia trung gian như Trung Quốc. Năm 2022, Nga đã nhập khẩu công nghệ bán dẫn trị giá 2,5 tỷ USD, tăng từ 1,8 tỷ USD vào năm 2021.

Chất bán dẫn và vi mạch đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh hiện đại, cung cấp năng lượng cho nhiều thiết bị bao gồm máy bay không người lái, radio, tên lửa và xe bọc thép.

Viện KSE - một trung tâm phân tích tại Trường Kinh tế Kiev - gần đây đã "mổ xẻ" 58 thiết bị quân sự quan trọng của Nga được thu hồi từ chiến trường Ukraine. Kết quả đã tìm thấy hơn 1.000 linh kiện nước ngoài, chủ yếu là công nghệ bán dẫn của phương Tây.

Nhiều thành phần trong số này hiện đang nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và châu Âu. Nhưng cũng không phải tất cả các công nghệ tiên tiến đều đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây áp đạt lên Nga.

Nhiều mặt hàng được mệnh danh là mặt hàng "công dụng kép", nghĩa là chúng có cả ứng dụng dân sự và quân sự, do đó nằm ngoài phạm vi kiểm soát xuất khẩu có mục tiêu. Ví dụ, cùng một loại vi mạch có thể được sử dụng trong cả máy giặt và máy bay không người lái.

Tuy nhiên, nhiều sản phẩm trong số này có nguồn gốc từ các quốc gia phương Tây có lệnh cấm thương mại sâu rộng đối với Moscow, và đặc biệt là quân đội Nga. Tất cả các mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ, trừ thực phẩm và thuốc men, đều bị cấm đến tay quân đội Nga.

Trong nghiên cứu của viện KSE, hơn 2/3 thành phần nhập khẩu được xác định trong thiết bị quân sự của Nga có nguồn gốc từ các công ty có trụ sở tại Mỹ, một số khác đến từ các đồng minh Ukraine bao gồm Nhật Bản và Đức. CNBC không thể xác minh liệu các công ty liên quan có nắm được điểm đến cuối cùng của hàng hóa do họ sản xuất hay không.

Một nghiên cứu khác từ Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI), có trụ sở tại London, cho thấy quân đội Nga sử dụng hơn 450 loại linh kiện khác nhau do nước ngoài sản xuất trong 27 hệ thống quân sự hiện đại nhất của mình, bao gồm tên lửa hành trình, hệ thống liên lạc và tổ hợp tác chiến điện tử. Nhiều bộ phận trong số này được sản xuất bởi các công ty nổi tiếng của Mỹ chuyên tạo ra các thiết bị vi điện tử cho quân đội Hoa Kỳ.

"Qua nhiều thập kỷ, các hệ thống và thiết bị công nghệ cao do phương Tây sản xuất đã trở nên tiên tiến hơn và thực sự đã trở thành tiêu chuẩn công nghiệp và toàn cầu. Vì vậy, quân đội Nga cũng như nền kinh tế dân sự của nước này tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung này" - Sam Bendett, cố vấn tại Trung tâm cho Phân tích Hải quân, nhận định.

Tính phổ biến và các ứng dụng rộng rãi đã giúp các công nghệ trên ngày càng phổ biến trong chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó cũng khó kiểm soát hơn. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt Nga phần lớn chỉ giới hạn ở các đồng minh phương Tây của Ukraine, đồng nghĩa với việc nhiều nước vẫn tiếp tục giao thương với Nga.

Bendett nói: "Thật khó để ngăn chặn hoàn toàn các vi điện tử dân sự xuyên biên giới và tham gia vào thương mại toàn cầu. Đây là điều mà ngành công nghiệp cũng như quân đội Nga hay các cơ quan tình báo của nước này đang tận dụng".

Theo CNBC, một lô hàng có thể được bán đi bán lại nhiều lần, thường thông qua các DN hợp pháp, trước khi đến một quốc gia trung gian trung lập, nơi mà lô hàng đó cuối cùng có thể được bán cho Nga.

Một quân nhân Ukraine cầm trên tay thiết bị điện tử lấy từ máy bay không người lái của Nga tại chiến trường Ukraine. Ảnh: Getty Images
Một quân nhân Ukraine cầm trên tay thiết bị điện tử lấy từ máy bay không người lái của Nga tại chiến trường Ukraine. Ảnh: Getty Images

Sự bất lực của phương Tây

Dữ liệu cho thấy, Trung Quốc cho đến nay là nhà xuất khẩu lớn nhất sang Nga về vi mạch và công nghệ khác được tìm thấy trong các thiết bị quân sự sử dụng trên chiến trường.

Những thương gia  từ Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông, chiếm hơn 87% tổng số lượng nhập khẩu chất bán dẫn của Nga trong quý 4 năm 2022, so với 33% trong cùng kỳ năm trước đó. Hơn một nửa (55%) trong số hàng hóa đó không được sản xuất tại Trung Quốc, mà là được sản xuất ở nơi khác và vận chuyển đến Nga thông qua các trung gian có trụ sở tại Trung Quốc và Hồng Kông.

Trong khi đó, Moscow cũng đã tăng nhập khẩu từ các quốc gia được gọi là trung gian ở Caucasus, Trung Á và Trung Đông - theo dữ liệu thương mại quốc gia Nga.

Chẳng hạn, xuất khẩu sang Nga từ Georgia, Armenia và Kyrgyzstan, đã tăng mạnh trong năm 2022, với phương tiện, máy bay và tàu chiếm một phần đáng kể trong mức tăng. Đồng thời, xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh sang các quốc gia này tăng lên, trong khi thương mại trực tiếp của các nước này với Nga sụt giảm.

"Rất nhiều quốc gia trong số này không thể cắt đứt một số hoạt động thương mại với Nga, đặc biệt là những quốc gia có chung biên giới, chẳng hạn như Gruzia... cũng như các quốc gia ở Trung Á, nơi vẫn duy trì cán cân thương mại rất đáng kể với Liên bang Nga" - chuyên gia Bendett nói.

Các dòng chảy thương mại không ngừng phát triển đã khiến các đồng minh phương Tây nỗ lực lôi kéo nhiều quốc gia hơn tham gia trừng phạt Nga, hoặc áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với một số thực thể hoạt động trong các quốc gia đó, nhằm kìm hãm sức mạnh quân sự của Nga.

Tháng 6 năm nay, EU đã thông qua một gói biện pháp trừng phạt mới bao gồm một công cụ chống lách luật nhằm hạn chế việc "bán, cung cấp, chuyển nhượng hoặc xuất khẩu" hàng hóa và công nghệ bị trừng phạt cụ thể cho một số nước thứ ba đóng vai trò trung gian cho Nga.

Gói này cũng bổ sung 87 công ty mới ở các quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Armenia vào danh sách những công ty hỗ trợ trực tiếp cho quân đội Nga, và hạn chế xuất khẩu 15 mặt hàng công nghệ có trong thiết bị quân sự của Nga ở Ukraine.

Người phát ngôn của EU Daniel Ferrie cho biết: "Chúng tôi không tự trừng phạt các quốc gia này. Những gì chúng tôi đang làm là ngăn chặn một sản phẩm đã bị trừng phạt, lẽ ra không đến được Nga, lại đang đến đó thông qua một nước thứ 3".

Tuy nhiên, rất nhiều hoài nghi về việc liệu các biện pháp này có đủ hiệu quả, đặc biệt là khi nói đến các đối tác thương mại lớn trên toàn cầu hay không.

"(Các biện pháp trừng phạt) có thể có tác dụng chống lại Armenia hoặc Georgia - những nước không phải là đối tác thương mại lớn của EU hoặc Mỹ. Nhưng khi liên quan đến Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, thực tế rất khó khả thi" - Yurchenko, thuộc Hội đồng An ninh Kinh tế Ukraine, nêu quan điểm.