Doanh nghiệp đền bù đất giá cao hơn khiến người dân thấy thiệt thòi
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) bày tỏ băn khoăn khi Điều 79 quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể nhưng việc liệt kê các trường hợp cụ thể như vậy có thể vẫn chưa bao quát hết.
Đại biểu cho rằng, quy định như vậy vẫn chưa thể giải quyết triệt để một trong những bất cập lớn nhất đang đặt ra là khi Nhà nước thu hồi đất, người có đất được bồi thường theo bảng giá đất. Trong khi các doanh nghiệp và người có đất thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thì giá đất thường cao hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến người dân luôn cảm thấy thiệt thòi, thiếu sự đồng thuận khi Nhà nước thu hồi đất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi triển khai dự án phải thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều trường hợp doanh nghiệp phải mất nhiều năm để thỏa thuận, có trường hợp phải “đi đêm” để thỏa thuận với giá cao hơn, dẫn đến thiếu công bằng với số còn lại. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng "dở khóc, dở cười" khi đã thỏa thuận chuyển nhượng được trên 90% diện tích (thậm chí cao hơn) mà vẫn không thể triển khai dự án dù chỉ còn số ít không đồng thuận. Điều này làm cho doanh nghiệp phải tăng chi phí, lãng phí nguồn lực, mất cơ hội đầu tư.
Từ những thực trạng trên, đại biểu đề xuất Quốc hội xem xét, chỉnh sửa, bổ sung Điều 79 và các điều khoản liên quan trong dự thảo Luật theo hướng Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án.
Đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp
Cùng quan tâm đến quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (cụ thể là Khoản 15, 16, 17, 18 của dự thảo Luật), đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) bày tỏ thống nhất với việc Nhà nước thu hồi đất cho các công trình, dự án có sử dụng nguồn vốn của Nhà nước. Tuy nhiên đối với những dự án, công trình có nguồn vốn tư nhân, đại biểu đề nghị cần xem xét lại.
Thống nhất với chủ trương của Nhà nước là khuyến khích và phát triển y tế, giáo dục, thể dục thể thao hay các cơ sở khoa học kỹ thuật, đại biểu cho rằng, chúng ta cần phải xem lại các công trình, dự án trên có xuất phát từ lợi ích công cộng của đa số người dân hay không, vì mục tiêu lợi nhuận hay không?. Cùng với đó, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần phải nghiên cứu và điều chỉnh thiết kế cái cho phù hợp, đảm bảo đúng với chủ trương của Nghị quyết 18 là đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, tránh các trường hợp trục lợi.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) đánh giá cao tinh thần sửa đổi của dự án luật này, đất đai đã thực sự được coi trọng bằng những quy định cụ thể theo hướng đất đai không chỉ là tài sản, mà là nguồn lực, nguồn vốn, mang tính thị trường hơn, phục vụ cho sản xuất kinh doanh, cho cả người dân và doanh nghiệp. Đó là việc phát triển quỹ đất với các quy chế công khai, minh bạch hơn để nhà nước tạo quỹ đất, chủ động điều tiết cung cầu thị trường.
Theo đại biểu, dự thảo luật đã bổ sung quyền được thế chấp, cho thuê, quyền được cho thuê đất trong trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm, bán tài sản sở hữu gắn liền với đất ngay trong lĩnh vực đất nông nghiệp. Với dự thảo luật mới này, người nông dân cũng được chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Những thay đổi trong dự thảo Luật mang nhiều ý nghĩa thực tiễn với một nước đi lên từ nông nghiệp như Việt Nam.
Đại biểu cho rằng, lần sửa đổi này luật cần bám sát, cụ thể hóa hơn nữa Nghị quyết 18, đưa ra giải pháp căn cơ, lâu dài, tránh tạo biến động lớn, thậm chí hỗn loạn thị trường bất động sản như thời gian qua; gây hậu quả nặng nề, tác động đến sự tồn vong của doanh nghiệp, đời sống của người dân.