Số DN FDI tăng tới 54% và lao động tăng tới 62,8% so với thời điểm 1/1/2012. Kết quả này cho thấy, DN FDI thu hút nhiều lao động nhất trong 5 năm qua. Khu vực này cũng có doanh thu thuần tăng mạnh với 134,5% so với năm 2011, chiếm 27,4% tổng doanh thu thuần. Năm 2016, các DN FDI tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ DN) nhưng tỷ lệ đóng góp vào Ngân sách Nhà nước thấp nhất trong các thành phần kinh tế với 250,9 nghìn tỷ đồng năm 2016, tăng bình quân 16,9%/năm giai đoạn 2010 -2016. Các DN tư nhân trong nước chiếm tỷ lệ lớn nhất về số DN, nhưng chỉ tạo ra khối lượng lợi nhuận rất khiêm tốn và ở mức thấp nhất trong các thành phần kinh tế, song so với DN FDI thì đóng góp ngân sách của khu vực này vẫn cao hơn.
|
Nhà máy thép Đa Liên thuộc Cụm Công nghiệp làng nghề cơ - kim khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất). Ảnh: Chiến Công |
Lý giải về nguyên nhân, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (TCTK) Phạm Đình Thuý là do chính sách thuế khác nhau trong các ngành kinh doanh. Các DN trong nước sử dụng lao động phổ thông nên thuế cao, trong khi khu vực FDI hoạt động trong các ngành áp dụng công nghệ cao ngoài được ưu đãi lớn về thuế thu nhập DN còn được miễn thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nên số lượng đóng góp cho NSNN càng giảm hơn.
TCTK cũng tổ chức thu thập thông tin về hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài của các DN. Trong đó, các DN FDI chiếm trọng số lớn nhất với giá trị hàng hóa sau gia công đạt 25,6 tỷ USD, chiếm tới 78,9% tổng giá trị hàng hóa sau gia công, cùng với đó nguyên liệu nhập khẩu cho gia công của các DN FDI là 16,3 tỷ USD, chiếm 80,5% tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi trị giá hàng hóa sau gia công, lắp ráp bán tại Việt Nam so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công thấp với 3,9%. Hầu hết sản phẩm sau khi gia công, lắp ráp được xuất khẩu trở lại cho nước đặt gia công hoặc xuất khẩu cho nước khác theo chỉ định của nước đặt gia công.
Khó đạt mục tiêu 1 triệu DNMục tiêu Chính phủ đưa ra năm 2020 đạt 1 triệu DN. Như vậy, trong vòng khoảng 15 tháng tới, cả nước phải có thêm hơn 300.000 DN thành lập mới, tương đương mỗi năm phải có thêm ít nhất 150.000 DN mới thành lập và phải thực sự “sống” khỏe. Điều này không hề dễ dàng, bởi theo cơ quan thống kê, cùng với số DN khai sinh thì cũng một số lượng không nhỏ DN khai tử.
Trong hơn 500.000 DN tư nhân trong nước chiếm 98,1% tổng số DN cả nước; số DN vừa có gần 8,5 nghìn DN, chiếm 1,6%; DN nhỏ là 114,1 nghìn DN, chiếm 22,0%, và DN siêu nhỏ là 385,3 nghìn DN, chiếm cao nhất với 74,4%, tăng 65,5%. Ngay cả khu vực kinh tế cá thể có số lượng lớn: 5,14 triệu hộ, trong số này chỉ có 2,3% tương đương 103.000 hộ có khả năng phát triển lên DN.
Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cũng phản ánh điểm hạn chế đối với khu vực DN, đó là xu hướng nhỏ dần về quy mô lao động bình quân/DN, sự manh mún của cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể. “Có đến gần 60% DN không phát sinh thuế thu nhập DN. Cho thấy hoạt động của cộng đồng DN vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhưng những bất cập nội tại của cộng đồng DN vẫn chưa giải tỏa được, đơn cử trình độ công nghệ thấp, khả năng quản trị yếu, nguồn vốn, quy mô hoạt động quá nhỏ.
Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc xóa bỏ rào cản kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư song vẫn chưa đạt kỳ vọng của cộng đồng DN, vẫn gặp khá nhiều điểm nghẽn. “CNTT chưa được ứng dụng hiệu quả trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan địa phương. Đây là hạn chế, bấp cập lớn, cần nhìn nhận khách quan trong bối cảnh Việt Nam đã và đang triển khai cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0” - Tổng Cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm nhận định.