Kinh doanh khó, nhiều doanh nghiệp rời thị trường
Chị Nguyễn Minh Hà ở Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, doanh thu kinh doanh tại cửa hàng thời trang của tôi không đủ chi phí trả tiền thuê mặt bằng và tiền thuê nhân viên bán hàng...". Tuy nhiên, do cứ mãi lo tìm nhà đầu tư nhận sang nhượng lại cửa hàng có vốn đầu tư lên đến hơn 700 triệu đồng (gồm cả vốn đầu tư trang trí cửa hàng) mà việc kinh doanh tại cửa hàng càng thua lỗ sâu hơn.
Chị Hà không phải là trường hợp cá biệt gặp khó khăn trong hoạt động mua bán giữa thời dịch bệnh này. Ông Trần Trường Giang, chủ hệ thống gà rán Otoké cho biết, từ đợt dịch đầu năm các chuỗi nhà hàng đều tạm ngưng kế hoạch mở thêm cửa hàng. Cùng với đó, những điểm kinh doanh không hiệu quả cũng chủ động đóng bớt. Rất nhiều chuỗi ăn uống và thời trang tại các vị trí đắc địa có doanh thu giảm phải đóng cửa. Trong khi nhiều DN kinh doanh du lịch xác định khó khăn sẽ kéo dài hết năm 2020 do diễn biến dịch vẫn rất khó lường, hoạt động bán lẻ vì thế cũng sẽ không thể hồi phục trong thời gian ngắn, trước mắt là đến hết năm 2020.
Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi bò và chế biến sữa Ba Vì Nguyễn Thanh Bình cho biết, DN có 9 sản phẩm bánh kẹo, được sản xuất để phục vụ thị trường nội địa. Trong đó một phần lớn phục vụ nhu cầu thưởng thức đặc sản của du khách tại các khu du lịch. Tuy nhiên, sau khi dịch tái bùng phát, thị trường du lịch "đóng băng" khiến lượng hàng của công ty bán ra sụt giảm tới hơn 50%.
Theo số liệu thống kê trong 7 tháng năm 2020, có 63.461 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019. Trung bình mỗi tháng có 9.065 DN đóng cửa, tương đương mức bình quân hơn 300 DN đóng cửa mỗi ngày. Có 32.722 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 7 tháng giai đoạn 2015 - 2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của DN.
Chấp nhận đào thải hay xoay xở để tồn tại
Khó khăn là điều có thể dự đoán được, do vậy các DN hiện đều xác định phải tìm cách tồn tại. “Khi doanh số bán hàng cho khách du lịch sụt giảm, DN tìm cách liên kết, phối hợp với những DN lớn ngành bánh kẹo để hợp tác, sản xuất gia công sản phẩm cho họ. DN cố gắng giữ ổn định chất lượng sản phẩm để có được đơn hàng sản xuất, giữ việc làm cho người lao động cầm cự chờ tình hình trở lại ổn định” - ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.
Với Tổng Công ty May 10, chuyển hướng kịp thời qua sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ phòng, chống dịch để xuất khẩu nên tình hình sản xuất vẫn ổn định. Đó cũng là câu chuyện của nhiều thương hiệu nội khác Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú… cũng xoay sở tình thế để không phải ngưng hoạt động trong mùa dịch.
Về phía DN chuyên cung cấp hàng hóa thiết yếu, đại diện Tập đoàn Masan, đơn vị đang sở hữu hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ cho biết: Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Tập đoàn đã chủ động xây dựng kịch bản chi tiết để ứng phó với dịch bệnh tại hệ thống chuỗi bán lẻ. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là thiết lập không gian mua sắm an toàn với 3 tuyến phòng dịch nghiêm ngặt, bảo đảm nguồn cung và chất lượng hàng hóa. Đồng thời triển khai các giải pháp bán hàng online và đặt hàng qua điện thoại, bảo đảm cung cấp hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện tới khách hàng…
Ngoài nỗ lực vượt khó của DN trong thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ cho các DN. Ngoài ra còn có gói rất lớn về tài khóa, miễn, giảm, giãn thuế, phí cho các DN. Nhiều địa phương cũng tiếp tục triển khai những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đã thực hiện từ trước. Bộ LĐTB&XH vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT đề xuất gói hỗ trợ lần 2 (sau gói 62.000 tỷ đồng) dành cho DN, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đang đánh giá lại các gói hỗ trợ và thiết kế chính sách kinh tế phù hợp hơn. Theo đó, báo cáo đánh giá sẽ được chia làm hai phần. Phần một là các chính sách ban hành, các kết quả đạt được, những hạn chế, đánh giá hiệu quả từng gói hỗ trợ. Phần hai là những chính sách mới, nguồn lực và thời gian triển khai ngay hay lâu dài. Cùng với đó, các bộ, ngành cần có thống kê, đánh giá tình hình DN và sản xuất kinh doanh một cách sâu rộng, toàn diện đầy đủ mới xây dựng được bức tranh tổng thể để có chính sách phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực, cần xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng.
Các biện pháp phải hỗ trợ sẽ hướng đến các DN quy mô nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động duy trì sản xuất, kinh doanh và khuyến khích quay trở lại hoạt động, tránh việc cắt giảm hơn nữa số lao động đang làm việc. Đồng thời, cần hỗ trợ các DN lớn đang gặp khó khăn về sự thiếu hụt dòng tiền. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |