Đòi hỏi những quyết sách

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV (ngày 22/10), trước những vấn đề đặt ra từ báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cũng như 3 năm qua của Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng đã nêu đúng và trúng những vấn đề trọng tâm của nền kinh tế hiện nay.

Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra toàn diện các vấn đề với những điểm được, chưa được cũng như nguyên nhân, khuyết điểm. Dù tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng những lo ngại về sự bền vững, bứt phá để đến mục tiêu vẫn đặt ra.
Những con số Chính phủ đưa ra trước Quốc hội đã cho thấy những gam màu sáng của nền kinh tế khi mức tăng trưởng kinh tế (GDP) 9 tháng năm 2018 đạt 6,98% và ước cả năm sẽ đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%. Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng mạnh. Xuất khẩu cũng tiếp tục đà tăng mạnh khi nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết, năm 2018 cũng là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu. Điểm nổi bật là cán cân thương mại đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư trong 3 năm liên tiếp, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không ngừng gia tăng, đặc biệt tỷ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp chế biến... Và điểm nhấn quan trọng được nhắc đến là cả 12/12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đều đạt, với 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.

Nhưng cùng với những điểm sáng rất tích cực ấy, qua đánh giá của Chính phủ cũng như Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, vẫn còn những điểm nghẽn trong nền kinh tế. Chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Năng suất lao động bình quân 3 năm tăng 5,6% nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát; DN chủ yếu là nhỏ và vừa, chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh còn thấp, nhiều sản phẩm khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, cả về giá và chất lượng…

Bên cạnh đó, dù Chính phủ đã thực hiện các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời hơn các kiến nghị của người dân, DN, đề cao trách nhiệm người đứng đầu… nhưng tình trạng lãng phí, tham nhũng vẫn chưa thực sự được đẩy lùi, vẫn là những điểm nghẽn cần sớm có giải pháp tháo gỡ. Cùng với đó là áp lực của nhiều ngành sản xuất khi mở rộng hội nhập, cũng khiến nền kinh tế vẫn đang chịu sức ép trên nhiều mặt trận…

Từ những nền tảng năm 2018 đã đạt được cũng như những hạn chế đã được nhìn nhận rõ, năm 2019, Chính phủ khẳng định quyết tâm sẽ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 6,6 - 6,8%...

Để đạt được những kết quả này, cùng với những giải pháp được Chính phủ đưa ra, cử tri mong muốn các Đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận để tìm ra được những giải pháp thực sự đột phá, khắc phục được những khó khăn hiện tại. Để từ đó, tiếp tục đổi mới tư duy, triển khai hiệu quả hơn các chính sách hiện có, tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.