Đối ngoại độc lập, tự chủ nhằm “giữ nước từ sớm, từ xa”

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong một thế giới đầy biến động và phức tạp, Việt Nam luôn chủ động phòng ngừa chiến tranh từ sớm, từ xa, nhất là đối với những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ. Ngoại giao là một trong những biện pháp để giữ đất nước hòa bình, ổn định.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với cán bộ chủ chốt Bộ Ngoại giao. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với cán bộ chủ chốt Bộ Ngoại giao. Ảnh: TTXVN

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định nguyên tắc nền tảng và tư tưởng chỉ đạo của đối ngoại thời kỳ đổi mới là: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cùng với đó, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong buổi làm việc với Bộ Ngoại giao về việc triển khai đường lối đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa qua, đã nhấn mạnh, ngành ngoại giao cần kết hợp chặt chẽ với quốc phòng và an ninh để tạo thế chân kiềng vững chắc, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Theo Chủ tịch nước, nền ngoại giao Việt Nam hiện đại vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, trực tiếp xây dựng, chỉ đạo và rèn luyện, đánh giá cao ngành ngoại giao trong suốt 77 năm phụng sự đất nước đã luôn nỗ lực phát huy truyền thống ngoại giao của cha ông, tư tưởng ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, luôn trung thành với Đảng, với lợi ích của quốc gia, dân tộc; nắm vững về đường lối, kiên định về nguyên tắc, nhưng linh hoạt, sáng tạo trong triển khai, mạnh dạn tìm đột phá để phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đó là tổng hòa của tinh thần yêu chuộng hòa bình, tôn trọng chính nghĩa, đề cao pháp lý, gắn kết bền chặt với người dân, với cội nguồn văn hóa dân tộc, hòa hiếu, nhân nghĩa, nỗ lực tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi ở trong nước cũng như trên thế giới cho phát huy vai trò tiên phong trong thực hiện 3 nhiệm vụ chiến lược: Giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.

Hoan nghênh Bộ Ngoại giao vừa tổ chức quán triệt nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Chủ tịch nước đề nghị ngành ngoại giao cần tiếp tục xác định "đối ngoại độc lập, tự chủ" là chủ trương lớn quan trọng nhằm "giữ nước từ sớm, từ xa"; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

Đồng thời, đối ngoại cần tiếp tục kết hợp chặt chẽ với quốc phòng và an ninh để tạo thế chân kiềng vững chắc, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến Việt Nam, tăng cường công tác bảo hộ công dân; đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến lược.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ủng hộ ngành ngoại giao thực hiện thành công sự nghiệp đối ngoại cao cả, kế thừa truyền thống vẻ vang, nêu cao đoàn kết, giữ vững bản lĩnh, nâng tầm trí tuệ, đổi mới tư duy, chủ động, sáng tạo và mạnh mẽ đột phá, hoàn thành tốt trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.