Đó là thông tin được Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh tại hội thảo kinh tế Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0: cơ hội và thách thức tận dụng cơ hội, do CIEM tổ chức cuối tuần qua.
|
Vận hành dây chuyền sản xuất bằng công nghệ thông tin tại Công ty CP Công nghiệp Á Châu. Ảnh: Thanh Hải |
GDP sẽ tăng hơn 62 tỷ USD nhờ cách mạng công nghiệp 4.0 Báo cáo của CIEM chỉ ra kịch bản phát triển kinh tế thực hiện CMCN 4.0 (so với kịch bản chỉ có cải cách kinh tế, không thực hiện CMCN 4.0) có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5 - 62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng 7 - 16% GDP năm 2030, tùy theo từng kịch bản cao, thấp, trung bình. GDP bình quân đầu người sẽ tăng 315 - 640 USD/ người nhờ tăng năng suất và tăng việc làm.
Theo dự báo, doanh thu của ngành thương mại điện tử năm 2030 đạt khoảng 40 tỷ USD; điện toán đám mây: 2,2 tỷ USD; gọi xe công nghệ: 2,2 tỷ USD; Nông nghiệp thông minh: 1,7 USD… Điều đó cho thấy tầm quan trọng của CMCN 4.0 trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong tương lai. Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung |
Ông Toshio Iwamoto - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành NTT Data cho rằng, tất cả các DN dù trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, hay đầu tư đều cần có sự đổi mới sáng tạo về cơ cấu quản lý trong kỷ nguyên số. Ông cho biết, việc tận dụng các công nghệ mới trong cuộc CMCN 4.0 không chỉ giúp các DN Nhật Bản thúc đẩy các dịch vụ và công nghệ sản xuất mới trong nước mà còn mở rộng ra nước ngoài. Với sự phát triển của công nghệ cảm biến và IoT, DN Nhật Bản có thể thu thập dữ liệu nâng cao hiệu quả hoạt động tại các nhà máy, đồng thời tuỳ biến sản xuất hàng hoá để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng mà không làm tăng chi phí.
Doanh nghiệp phải bắt đầu từ đâu?Theo đại diện Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hầu hết các DN thuộc những ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao (ngành sợi, ngành gỗ, ngành may…), hay các ngành liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng như bán lẻ, dược phẩm… đều bày tỏ nhu cầu ứng dụng CNTT để sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, họ còn băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu, cần trang bị những hiểu biết gì để đầu tư cho đúng đắn, tiết kiệm chi phí mà không bị lạc hậu công nghệ. Làm sao để ứng dụng CNTT trong điều hành DN hiệu quả, bền vững?
Về vấn đề này, ông Toshihiko Iwamoto chia sẻ, các DN có thể bắt đầu từ việc nhỏ như số hóa tài liệu để hạn chế in ấn giấy tờ, hoặc số hóa quy trình giao việc, kiểm soát công việc với một giải pháp trên nền tảng đám mây… Trên cơ sở đó, tư duy về đổi mới sáng tạo trong tổ chức sẽ hình thành, và tiếp tục nghĩ đến những ứng dụng lớn hơn như ERP, dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, AI, blockchain... Xu hướng của thế giới hiện nay là tạo ra một hệ sinh thái trong DN bằng cách hợp tác với những startup để đưa đổi mới, sáng tạo về mặt công nghệ vào DN mình.
Còn theo Viện trưởng CIEM, cải cách thể chế, chuyển đổi bộ máy Nhà nước sang kinh tế số cả về tư duy quản lý và công cụ quản lý là điều kiện tiên quyết cho thực hiện CMCN 4.0 ở Việt Nam; trong đó, hợp tác quốc tế với các quốc gia, các trung tâm công nghệ, các DN công nghệ tiên tiến, các nhà khoa học… cần được ưu tiên.
Hiện, Việt Nam mới chỉ có 9 trung tâm dữ liệu chuyên dụng cho các DN, ít hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore hay Indonesia. Việt Nam đang từng bước thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực. Theo đó, các chương trình đào tạo tập trung nhiều hơn vào việc đào tạo kỹ thuật, kỹ năng cho người lao động, thay vì chỉ đào tạo trên lý thuyết, sách vở. Hệ thống chương trình đào tạo của các trường đại học cũng sẽ được thay đổi theo hướng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp nhiều hơn. Ông Cung cho biết, sắp tới Bộ KH&ĐT sẽ thành lập Trung tâm đổi mới, sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trung tâm sẽ gắn kết với các cơ sở khoa học, thực nghiệm và triển khai ý tưởng vào thực tế, có vai trò đưa các công nghệ mới đến gần hơn với DN và người dân. Cùng với đó là việc trình Chính phủ xem xét mô hình kinh tế chia sẻ để giúp các DN tiếp cận với công nghệ quản lý hiệu quả. Việc hoàn thiện dự thảo đề án góp phần tạo hành lang pháp lý cần thiết để quản lý hiệu quả hơn đối với mô hình kinh tế còn khá mới mẻ này.