Sau khi Mỹ và Đức công bố thỏa thuận về dự án khí đốt Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream 2) của Nga, Ukraine đã viện dẫn 2 điều khoản thuộc Hiệp định Liên kết với Liên minh châu Âu (EU), theo đó yêu cầu tham vấn khẩn cấp với Ủy ban châu Âu và Chính phủ Đức.
Thông điệp của Ukraine
Về mặt lý thuyết, các cuộc thảo luận này sẽ tạo cho Ukraine một diễn đàn để kiên quyết yêu cầu áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 đi vào hoạt động, hoặc yêu cầu bồi thường tài chính cao hơn mà Washington và Berlin đã đưa ra, cùng với những đảm bảo chặt chẽ hơn.
Tạp chí Politico nhận định, từ quan điểm pháp lý và thực tế, động thái này dường như không đạt được mục tiêu của Ukraine là ngăn chặn đường ống Nord Stream 2, chạy từ Nga đến Đức, khiến tuyến đường trước đây qua Ukraine bị bỏ qua, với nguy cơ thiệt hại về chi phí cho Kiev. Từ quan điểm chính trị, các quan chức cấp cao của EU và các nhà ngoại giao hiểu rằng đây là dấu mốc: Một quốc gia đối tác đang kỳ vọng gia nhập EU, cuối cùng đã đứng lên và công khai yêu cầu Ủy ban EU và Đức - đầu tàu EU, tôn trọng quyền lợi của họ, thay vì im lặng trước các cường quốc châu Âu như trước.
Về mặt công khai, giới chức EU hầu như không phản ứng trước hành động của Ukraine. Thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết sẽ bảo vệ Ukraine với vai trò một quốc gia trung chuyển khí đốt. Ủy ban châu Âu nhắc lại rằng EU không coi Nord Stream 2 là lợi ích chung của khối - bất chấp quan điểm trái ngược của Đức - và cho biết vẫn cởi mở thảo luận vấn đề này với mọi đối tác, bao gồm Ukraine.
Tuy nhiên, về mặt riêng tư, nhiều quan chức và nhà ngoại giao hoan nghênh sự khéo léo của Kiev. Năm 2009, EU đã tạo ra chương trình Đối tác phía Đông để mở cửa cho các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, bao gồm Ukraine, Gruzia và Moldova, gia nhập vào các hoạt động của EU nhiều hơn thông qua các hiệp định liên kết chính trị và hiệp định thương mại tự do toàn diện. Với động thái lần này của Ukraine, Brussels đột nhiên buộc phải đưa ra nhiều hơn những gì đã mặc cả khi Kiev nhấn mạnh, quan hệ đối tác cần từ cả hai phía.
Politico dẫn lời một quan chức cấp cao của EU cho biết: “Họ hoàn toàn đúng. Trong các tổ chức, các đồng nghiệp của tôi có cảm giác rằng, các Hiệp định Liên kết áp đặt các nghĩa vụ đối với Ukraine, thay vì có đi có lại”.
Kịch bản thay thế cho Nord Stream 2?
Svitlana Zalishchuk, cựu thành viên quốc hội Ukraine và là trợ lý đối ngoại của Phó Thủ tướng cho biết: “Cần có cách tiếp cận khác đối với Hiệp định Liên kết. Trong tài liệu, đây là một văn bản song phương và đã được phê chuẩn bởi tất cả 27 quốc gia thành viên, theo đó áp đặt trách nhiệm pháp lý cho cả hai bên."
Theo bà Zalishchuk, hiện là cố vấn các vấn đề quốc tế cho giám đốc điều hành của Naftogaz, tập đoàn khí đốt quốc gia Ukraine: “Không chỉ Ukraine có nghĩa vụ cải cách. EU cũng có nghĩa vụ áp dụng các nguyên tắc tương tự đang hoạt động ở Liên minh Châu Âu đối với Ukraine”.
Cựu thành viên Quốc hội Ukraine cho rằng, trong trường hợp Nord Stream 2, Đức dường như đang vi phạm các quy định trong Gói năng lượng thứ ba của EU, một gói lập pháp quản lý thị trường khí đốt và điện mà Ukraine đã áp dụng như luật quốc gia. “Bạn không thể yêu cầu Ukraine tự cải cách theo các quy tắc của châu Âu và sau đó vi phạm các quy tắc của châu Âu này. Điều này thật kỳ lạ và đặc biệt là với Nord Stream 2.”
Giới chuyên gia cũng cho rằng thỏa thuận về Nord Stream 2 giữa Mỹ và Đức vừa qua không cung cấp cho Ukraine đủ sự đảm bảo về tài chính hoặc an ninh.
Trong khi mục tiêu hàng đầu của Ukraine là ngừng Nord Stream 2, tập đoàn dầu khí Naftogaz cũng đưa ra một cách tiếp cận thay thế có thể đảm bảo doanh thu của Ukraine bằng cách cho các nhà kinh doanh khí đốt của EU lựa chọn để Gazprom, nhà cung cấp do nhà nước Nga kiểm soát, giao đơn đặt hàng ngay lập tức tại biên giới phía đông Ukraine. Theo đó, khí đốt được vận chuyển hoặc lưu trữ trong hệ thống đường ống của Ukraine sẽ thuộc về các khách hàng châu Âu của Gazprom, không phải Nga.
Chiến lược này có thể giành được sự ủng hộ của các nước EU vốn coi Nga là mối đe dọa an ninh, đặc biệt là Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia.
Tuy nhiên, cũng theo Politico, những rủi ro an ninh đã không ngăn được các cường quốc phương Tây ưu tiên lợi ích của mình. Đức coi Nord Stream 2 là một dự án thương mại quan trọng nhằm giảm chi phí năng lượng của đất nước. Và Tổng thống Mỹ Joe Biden, dù phản đối dự án đường ống, vẫn hạn chế áp đặt các biện pháp trừng phạt với dự án này. Các cố vấn của ông Biden coi mối quan hệ chặt chẽ với Đức là điều cần thiết để phát triển một vị thế thống nhất của phương Tây đối với Trung Quốc - đối thủ còn đáng gườm hơn Nga.