Không vi phạm Luật Di sản
Mới đây, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng vừa có ý kiến gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án nhà ga C9 và đường ngầm tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng - Trần Hưng Đạo vi phạm và có khả năng gây hại cho di tích hồ Hoàn Kiếm. Đây được cho là những phản hồi, kiến nghị rút ra sau buổi tọa đàm: “Phát triển đô thị gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong quy hoạch xây dựng ga ngầm C9, tuyến ĐSĐT số 2 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm”.
Tại buổi tọa đàm này, một số ý kiến cho rằng, hướng tuyến ĐSĐT số 2, theo phương án được chọn, là công trình giao thông, phục vụ gián tiếp cho khu vực hồ Hoàn Kiếm nên công trình vi phạm Luật Di sản văn hóa; tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đối với di tích và không gian văn hóa trung tâm Thủ đô nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động.
|
Khu vực dự kiến xây dựng cổng lên xuống số 3 thuộc nhà ga ngầm C9. Ảnh: Chiến Công |
Trao đổi về ý kiến này, Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu khẳng định, dự án nhà ga C9 và đường ngầm tuyến ĐSĐT số 2 không vi phạm di tích Hồ Gươm và không vi phạm Luật Di sản. Bởi báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án có vị trí nhà ga C9 được phê duyệt tại quyết định đầu tư số 2054/QĐ - UBND ngày 13/11/2008 của UBND TP Hà Nội. Trong khi ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ mới ký Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là dự án trọng điểm quốc gia của TP Hà Nội, sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Chiều dài toàn tuyến khoảng 11,5km; đoạn trên cao dài khoảng 2,6km; đoạn ngầm dài khoảng 8,9km; khu Depot rộng 17,5ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Điểm đầu tuyến tại Khu đô thị Nam Thăng Long, theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối tại nút giao phố Huế - Nguyễn Du. Toàn tuyến có 10 nhà ga gồm 3 ga, 7 ga ngầm. 3 ga trên cao là: C1 - Nam Thăng Long; C2 - khu Ngoại giao đoàn; C3 Tây Hồ Tây. 7 ga ngầm là: C4 - Bưởi; C5 - Quần Ngựa; C6 - Bách Thảo; C7 - Hồ Tây; C8 - Hàng Đậu; C9 - Hồ Hoàn Kiếm; C10 - Trần Hưng Đạo.UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo nghiên cứu bố trí cửa số 3, ga ngầm C9 tại vị trí hiện đang đặt khu nhà vệ sinh và cửa hàng trên Bờ Hồ, bên cạnh đền Ngọc Sơn. Do khu nhà vệ sinh hiện tại nằm cách mép hồ Hoàn Kiếm chỉ khoảng 4m, không thuận lợi cho công việc xây dựng và vận hành công trình cửa lên xuống nên, cổng số 3 đã được đề xuất dịch vào sát mép ga với kích thước cửa 6,3 x 17m; đường dẫn hành khách dài khoảng 13,6m; khoảng cách từ cửa lên xuống tới hồ Hoàn Kiếm là khoảng 11m, tới đường Đinh Tiên Hoàng là 13,5m. Khu nhà vệ sinh và cửa hàng cũng sẽ được di chuyển xuống ga ngầm để đảm bảo mỹ quan khu vực mà vẫn phục vụ tốt người dân và du khách. |
Mặt khác, quá trình trình cấp Giấy chứng nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ở khu vực Hồ Gươm lại không cập nhật vị trí đặt ga C9. Theo ông Hiếu, ga C9 đưa hành khách đến tham quan di tích nên cũng là công trình mang tính chất phục vụ khu vực hồ Hoàn Kiếm. “Trên quan điểm của người làm kỹ thuật, tôi cho rằng công trình này không vi phạm Luật Di sản” - ông Hiếu nhận định.
15 năm mòn mỏi đợi chờLãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội thông tin, từ năm 2010, sau khi có quyết định phê duyệt dự án, Ban và UBND TP Hà Nội đã xin ý kiến Bộ VHTT&DL. Có những lần, Bộ trả lời với quan điểm chung là đồng ý; nhưng cũng có lúc, sau khi nhận được ý kiến phản hồi của một số chuyên gia thì Bộ lại muốn cân nhắc tiếp. Hiện tại, Bộ đang xem xét công văn của UBND TP và sẽ có ý kiến cuối cùng sớm nhất. Tuy nhiên, cũng chưa biết phải chờ đến bao giờ, vì tính đến nay, dự án tuyến ĐSĐT số 2, trong đó có vị trí ga ngầm C9 đã được nghiên cứu tới… 15 năm với hơn 10 lần điều chỉnh.
Chuyên gia về giao thông TP và cầu hầm Nguyễn Đình Chiển cho rằng, thực tế hiện nay không còn phương án nào tốt hơn để đặt vị trí nhà ga C9 và đường ống tàu điện ngầm khu vực hồ Hoàn Kiếm. Hơn nữa, ga C9 còn liên quan trực tiếp đến hướng tuyến và 2 ga liền kề: C8 (đặt tại vườn hoa Hàng Đậu); C10 (đặt tại đường Hàng Bài). Không quyết được C9 thì C8, C10 và cả tuyến sẽ tiếp tục phải giậm chân tại chỗ. “Phương án hiện tại theo tôi là khả thi nhất, tiết kiệm và an toàn cho cụm di tích hồ Hoàn Kiếm nhất” - ông Chiển đánh giá.
Thời gian qua, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa phương án được lựa chọn ra lấy ý kiến người dân và chuyên gia. Rất nhiều ý kiến đã bày tỏ sự đồng thuận, trong đó có chuyên gia, người dân Hà Nội, địa phương khác và cả khách nước ngoài. Trên thực tế, dự án tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, trong đó có nhà ga C9, được đánh giá là cần thiết và rất quan trọng đối với giao thông TP nói chung, khu vực trung tâm nói riêng. Các chuyên gia cho rằng, kéo dài tranh cãi sẽ khiến dự án tiếp tục chậm tiến độ. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chung, lâu dài của Thủ đô mà còn gây tốn thêm chi phí, thiệt hại về kinh tế khó có thể hạn lượng được.