Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi): Nên xây dựng lộ trình nâng chuẩn giáo viên phù hợp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quy định liên quan đến nhà giáo trong Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân, cũng như tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc thay đổi chính sách phải phù hợp và đồng bộ với điều kiện thực hiện.

Giáo viên trường THCS Thanh Xuân hướng dẫn học sinh trong giờ Tin học. Ảnh: Thanh Hải
Nâng chuẩn là cần thiết
Như báo cáo về kết quả lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa qua, quy định về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non lên cao đẳng sư phạm; đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm nhận được sự đồng tình từ dư luận. Theo quy định trong Dự Luật, việc nâng chuẩn giáo viên này sẽ thực hiện theo lộ trình phù hợp, cùng với các giải pháp hữu hiệu để bảo đảm tính khả thi của việc nâng chuẩn giáo viên và đảm bảo sự ổn định, an tâm công tác của các giáo viên hiện nay chưa đạt chuẩn.
Nếu chúng ta có chính sách thi đầu vào chặt chẽ, bố trí học sinh khi ra trường được phân công công tác thì có điều kiện nâng cao chất lượng sinh viên ngành sư phạm. Những người vào sư phạm coi đó là niềm mơ ước thì mới nâng cao được chất lượng của sinh viên sư phạm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến cũng đồng tình, việc nâng chuẩn trình độ nhà giáo trở thành một đòi hỏi khách quan để xây dựng đội ngũ giáo viên có năng lực sư phạm tốt, trình độ cao phải thực hiện nhiều hoạt động. Trong đó, việc thu hút được sinh viên giỏi vào ngành sư phạm được coi là yếu tố quan trọng đầu tiên. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, ngành giáo dục nên nghiên cứu quy hoạch về tuyển dụng và sử dụng giáo viên. Nếu coi sư phạm là một ngành nghề đặc thù, có vai trò quan trọng và phải ưu tiên, nên có chế độ tuyển dụng tương xứng. Cùng với đó, nên áp dụng phương thức tuyển dụng cần bao nhiêu tuyển bấy nhiêu, ra trường là xếp việc, đã đi học thì nhất thiết về có việc.

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chuẩn đào tạo của nhà giáo, nhiều ý kiến góp ý cần xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi và đánh giá tác động toàn diện khi thực hiện nâng chuẩn đào tạo, tránh hình thức, chạy theo văn bằng.

Bậc lương tương xứng

Việc có nên quy định bảng lương riêng cho giáo viên không cũng là vấn đề còn những ý kiến khác nhau. Theo báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân, có những ý kiến cho rằng, để thu hút được sinh viên giỏi học ngành sư phạm cần sửa đổi các quy định về lương và phụ cấp của giáo viên cho phù hợp với ngành giáo dục. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Có ý kiến đề xuất cần có bảng lương riêng cho nhà giáo.

Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cũng đưa ra hai phương án: Phương án thứ nhất quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp - được nhận định là có khác với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW. Phương án thứ hai quy định phụ cấp nghề giáo viên là cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo và đặc thù nghề giáo.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Nghị quyết số 27 - NQ/TW quy định có 3 bảng lương, nên Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) không thể quy định thêm một bảng lương nữa. Đồng tình với quan điểm để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm thì cần có ưu đãi với lương giáo viên khi xây dựng bảng lương của viên chức, nhưng ngành nào ra luật cũng quy định tổ chức, biên chế, ngân sách, chế độ ra sẽ phá vỡ hệ thống pháp luật chung.

Một giải pháp được gợi mở là, tại Kỳ họp tới, do Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cũng sẽ trình ra Quốc hội, nên nếu đề xuất phù hợp, có tính khả thi vẫn có thể đưa ra xem xét, cân đối cùng với Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) về vấn đề này.