Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Dự Luật được dự kiến thiết kế gồm 5 chương, trong đó quy định các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; quy định các biện pháp giảm tác hại của rượu bia; giảm mức tiêu thụ rượu, bia; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ cụ thể của các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện Luật sau khi có hiệu lực. Bên cạnh những quy định chung, Dự Luật cũng quy định những vấn đề cụ thể như kiểm soát rượu, bia bảo đảm an toàn giao thông. Theo đó, người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng đường bộ; tàu bay, tàu hỏa và các phương tiện giao thông đường thủy không được có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi tham gia giao thông; thực hiện các biện pháp kiểm tra chủ động nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới để phòng, ngừa và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Y tế.
Việc lạm dụng rượu, bia có thể gây ra những tác hại đối với sức khỏe và các vấn đề xã hội. Ảnh: Chiến Công |
Đa số ý kiến từ DN đều đồng tình với quan điểm cho rằng lạm dụng rượu bia có thể gây ra những tác hại đối với sức khỏe và các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn về cách tiếp cận và những quy định trong Dự Luật có thể không giải quyết được tối đa những vấn đề của lạm dụng rượu, bia và đạt được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.Theo Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt, việc xây dựng Luật này là cần thiết, bởi việc bảo vệ sức khỏe người dân là trách nhiệm chung của tất cộng đồng. Tuy nhiên, Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê cần có những đánh giá chính thức về các con số trong ngành và xem xét kỹ lưỡng khi xây dựng Luật; phải có đánh giá tác động định lượng bởi những tác hại của rượu, bia và những tác động xấu đến sức khỏe người dân chủ yếu liên quan nhiều đến rượu lậu, rượu kém chất lượng.
Cùng với đó, đại diện một số DN kinh doanh, sản xuất rượu bia – những đối tượng chịu tác động của Dự Luật cũng chỉ ra rằng, hai mục tiêu chính đặt ra đối với Dự Luật này là nâng cao sức khỏe của người dân và phòng, chống những vấn đề xã hội gây ra bởi lạm dụng rượu bia như bạo lực gia đình, uống rượu khi lái xe, gây rối trật tự công cộng. Tờ trình của cơ quan soạn thảo cũng nêu rõ Dự luật này được tiếp cận từ góc độ sức khỏe cộng đồng và xã hội, chứ không phải từ góc độ thương mại. Tuy nhiên, phần lớn các quy định lại tập trung vào hạn chế các hoạt động thương mại thay vì các giải pháp cần thiết để nâng cao sức khỏe cộng đồng hay giải quyết các vấn đề xã hội như uống rượu khi lái xe, bạo lực gia đình hoặc gây rối trật tự xã hội, cần điều chỉnh để đảm bảo luật khả thi và phù hợp thực tiễn.Kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, những ý kiến cụ thể về từng vấn đề mà đại diện các DN đưa ra sẽ là những thông tin hữu ích cho việc thẩm tra của Ủy ban đối với Dự án luật này trong thời gian tới. Đồng thời cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu những ý kiến của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam và một số DN sản xuất, kinh doanh rượu bia, trong và ngoài nước tại hội nghị để đảm bảo Luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống, có tính khả thi cao khi đưa vào áp dụng.
Một nghiên cứu do Viện Dân số và các vấn đề xã hội công bố mới đây nhất chỉ ra rằng, 75% lượng đồ uống tiêu thụ trên thị trường là những sản phẩm nằm ngoài kiểm soát như rượu nấu thủ công (74%), đồ uống có cồn nhập lậu và giả, các loại rượu, bia không đăng ký, không có nguồn gốc rõ ràng. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, các vấn đề về sức khỏe và xã hội cũng có mối liên hệ mật thiết đối với việc tiêu thụ các sản phẩm rượu, bia nằm ngoài kiểm soát. Những sản phẩm này hiện đang không bị chi phối bởi bất kỳ quy định nào về hạn chế kinh doanh cũng như các loại thuế như những sản phẩm rượu, bia lưu hành hợp pháp. |