Đưa quyền lực vào "lồng kiểm soát"

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiểm soát quyền lực là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm khi T.Ư 7 thảo luận Đề án về công tác cán bộ. Trong đó, mục tiêu được đưa ra là đến năm 2020 sẽ hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, triệt để chống chạy chức, chạy quyền.

Yêu cầu bức thiết

Phải khắc phục cho được tình trạng "chạy chức, chạy quyền", "thân quen, cánh hẩu" - vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ khi nhấn mạnh những nội dung cần trả lời trong Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Thực tế, đây không còn là vấn đề nhỏ, ở một phạm vi hẹp, mà thực sự đã trở thành “cản trở” trong công tác cán bộ hiện nay. Tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng, bổ nhiệm thần tốc hay “cả họ làm quan”, đó là những cụm từ xuất hiện nhiều thời gian qua, làm nhức nhối dư luận. Như nhiều ý kiến nhận định, chưa bao giờ những sai phạm của cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao lại đặc biệt nghiêm trọng đến thế. Mới đây nhất, sau khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư chỉ ra hàng loạt vi phạm, Ban Bí thư đã cách tất cả chức vụ trong Đảng của Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh. Trước đó, hàng loạt cán bộ cấp cao cũng bị kỷ luật, vướng vòng lao lý.

 

Bí thư Đảng ủy phường Phương Liên (quận Đống Đa) Mai Văn Lâm:  Cán bộ là gốc của mọi việc

Với cương vị là một Bí thư Đảng ủy ở cơ sở, tôi hoàn toàn ủng hộ tinh thần nội dung Đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Công tác cán bộ đang bàn ở Hội nghị T.Ư 7. Bởi đây là sự kỳ vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân về đổi mới xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Và như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, sự nghiệp Cách mạng thành công hay thất bại phần lớn là do cán bộ quyết định”. (Trần Long ghi)


 

Ông Phan Sỹ Thao – Bí thư Chi bộ 10 (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm):

Quan tâm đến rèn luyện, thử thách cán bộ

Tôi thấy Đề án về công tác cán bộ lần này được chuẩn bị rất công phu và rất phù hợp với điều kiện, tình hình hiện nay, có tập trung vào một số giải pháp nhằm kiểm soát quyền lực của cán bộ. Tôi rất ủng hộ việc bố trí Bí thư cấp ủy, cấp tỉnh huyện không phải là người địa phương. Điều đó đảm bảo cho cán bộ có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp, cơ chế kiểm soát quyền lực, phải quan tâm đến việc rèn luyện, thử thách để đánh giá năng lực thực chất của cán bộ một cách chính xác. Nếu không có thử thách, cán bộ sẽ rất dễ sa ngã. (Thủy Tiên ghi)

Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc kiểm soát quyền lực chưa tốt, dẫn đến một số người đứng đầu lạm quyền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Một quan điểm cần được luôn luôn nhận thức đúng đắn là: Người làm giáo dục phải được giáo dục nghiêm túc, người lãnh đạo, quản lý phải được quản lý, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ. Tình trạng buông lỏng quản lý và giám sát, kiểm soát quyền lực đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp và các lĩnh vực vẫn rất đáng lo ngại. Các vụ án liên quan đến cán bộ, những khuyết điểm về bổ nhiệm cán bộ ở một số tỉnh, huyện vừa bị phát hiện cho thấy tính bức thiết của quản lý cán bộ và kiểm soát quyền lực.

Quá trình xây “lồng cơ chế” để “nhốt quyền lực” như nhiều lần Tổng Bí thư đề cập tới cũng thể hiện rõ trên thực tế. Hàng loạt quy định đã được ban hành như về luân chuyển cán bộ; phân cấp quản lý và giới thiệu cán bộ ứng cử; khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp… Một trong những điểm được nhấn mạnh là diện cán bộ này phải tuyệt đối không tham vọng quyền lực; không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và tuyệt đối không để người thân, quen lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để trục lợi.

Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế từ Đảng đến chính sách pháp luật. Chú trọng xây dựng các quy định, quy chế nội bộ, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với cán bộ.

Giám sát người đứng đầu

Trên cơ sở kế thừa, bổ sung và phát triển các quy định đã có, Đề án về công tác cán bộ lần này được đánh giá có nhiều quan điểm mới, toàn diện hơn. Trong đó, việc kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ được xác định là khâu đột phá với nhiều giải pháp. Quyết tâm chặn đứng tiêu cực và triệt để chống tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ hay để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ cũng được nghiên cứu và đưa ra.

Như nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Lê Quang Thưởng nhận định: Để xảy ra những vi phạm thời gian qua cũng cho thấy đang tồn tại lỗ hổng trong công tác kiểm soát quyền lực, buông lỏng trong việc kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ. Vì sao đảng viên sai phạm mà tổ chức Đảng không biết? Đó là vì tính dân chủ chưa được phát huy tốt ở các cơ quan, địa phương. Nếu như được giám sát thường xuyên, các tổ chức đoàn thể và người dân có sự phối hợp hiệu quả thì những vi phạm của cán bộ, đảng viên sẽ được phát hiện và xử lý kịp thời.

Đa số các ý kiến cho rằng, để chống chạy chức, chạy quyền, cần những cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả hơn đối với người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, kiên quyết không để người khác chạy mình. Kiểm soát quyền lực chính là kiểm soát con người, do đó cần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đổi mới từ công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ để lựa chọn đúng những cán bộ có tâm, có tầm.

 

TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Cán bộ đã sa vào lợi ích nhóm, phải kiên quyết loại trừ

Đề án về công tác cán bộ trình Hội nghị T.Ư 7 lần này (Khóa XII) rất thiết thực và phù hợp trong tình hình mới, cán bộ dứt khoát phải nâng mình lên, đặc biệt là cấp cán bộ chiến lược. Hiện, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống “giặc nội xâm”, đang diễn ra rất quyết liệt. Trong thời gian dài từ năm 2002 - 2015, tình trạng lợi ích nhóm, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa diễn ra ở một bộ phận không nhỏ ở cán bộ có chức, có quyền, trong đó không ít cán bộ chiến lược. Vì thế, nếu cán bộ cấp chiến lược đã sa vào lợi ích nhóm, kiên quyết phải loại trừ một cách triệt để. Để làm được điều đó thì nhất quyết phải có các cơ chế và chế tài kiểm tra, xử lý.

Đặc biệt, tôi rất tán thành với Đề án lần này nhấn mạnh vào điểm bố trí Bí thư cấp ủy, cấp tỉnh, huyện không là người địa phương. Đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền. Trong việc giám sát người đứng đầu, cũng cần có đủ chế tài, cơ chế tốt, bởi nếu không làm chặt chẽ, cán bộ mới đầu có thể tốt nhưng rất dễ dần hư đi. (Thủy Tiên ghi)
 

Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An: Không giám sát tốt, cán bộ dễ sa vào hư hỏng

Đề án lần này tập trung nhiều vào vấn đề kiểm soát quyền lực, đây là vấn đề quan trọng. Bổ nhiệm đúng, chọn người đúng nhưng nếu không giám sát tốt, cán bộ cũng sẽ rất dễ sa vào hư hỏng. Bên cạnh đó, việc bố trí Bí thư Tỉnh ủy không phải là người địa phương nên kiên quyết làm. Bởi giai đoạn vừa qua, bên cạnh những đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong sáng, có tâm, có tầm, vì lợi ích của dân, vẫn còn những đồng chí ở nhiều vị trí cao đã mắc những sai lầm, bè cánh, cục bộ… làm giảm sút lòng tin của Nhân dân và hơn hết làm cho bộ máy cồng kềnh và không hoạt động hiệu quả. Vì thế, trong quá trình tổ chức thực hiện tới đây, cần giám sát từ khâu đầu đến khâu cuối một cách chặt chẽ và minh bạch. Bên cạnh chuyện bằng cấp, phải quan tâm đến trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ thực tiễn của cán bộ. Đồng thời, minh bạch trong các tiêu chuẩn, khâu tuyển chọn, vị trí, kết quả cụ thể của các cán bộ. (Việt An ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần