Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đức nêu điều kiện để dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Berlin sẽ không dỡ bỏ trừng phạt đối với Nga nếu nước này không đạt được thỏa thuận với Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Tass
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Tass

Tass đưa tin, trong bài trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ZDF hôm 2/5, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt đối với Nga được áp đặt sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine sẽ không được dỡ bỏ nếu không có thỏa thuận đạt được giữa Kiev và Moscow.

Ông Scholz cho rằng Tổng thống Nga Vladimi Putin nên "tiến tới các thỏa thuận với Ukraine".

Thủ tướng Scholz lưu ý thêm rằng đây không nên là thỏa thận "hòa bình áp đặt" chỉ phục vụ cho những điều khoản của Nga. Thủ tướng Đức cũng nhắc lại việc nước này không công nhận Crimea thuộc Nga sau cuộc sáp nhập năm 2014.

Ông Scholz nhấn mạnh rằng Ukraine có thể "bảo vệ chủ quyền và tự do của mình", đồng thời nhận định "Nga sẽ không chiến thắng và Ukraine sẽ không thất bại".

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn với báo The Indian Express, Thủ tướng Đức nói rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức ngừng nhập khẩu than từ Nga vào mùa hè năm nay, tiến tới chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm 2022.

Ủy viên EU về năng lượng Kadri Simson hôm 2/5 cho biết Ủy ban châu Âu sẽ thảo luận về gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine trong ngày 3/5. Gói trừng phạt mới dự kiến nhắm tới dầu mỏ Nga, các ngân hàng Nga và Belarus cũng như nhiều cá nhân và công ty Nga hơn. Thỏa thuận chính thức có thể được đưa ra trong tuần này.

Trước đó, hãng tin Bloomberg cho biết EU có khả năng sẽ thông qua lệnh cấm vận theo từng giai đoạn đối với dầu mỏ của Nga trong tuần này. Theo nguồn tin trên, lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu mỏ của Nga sẽ được áp dụng vào cuối năm nay, trước đó các biện pháp hạn chế nhập khẩu sẽ dần được áp dụng theo từng cấp độ.

Ngày 24/2, Tổng thống Putin quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhằm đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo các nước cộng hòa nhân dân tự xưng khu vực Donbass. Ông Putin nhấn mạnh, Moscow không có kế hoạch chiếm lãnh thổ của Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh đã phản ứng trước các hành động của Nga bằng cách áp lệnh trừng phạt lên Moscow và tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine.