Đừng để mất tiền vì cả tin!

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Cuối năm là thời gian diễn ra hàng loạt chương trình khuyến mại, giảm giá đến từ các thương hiệu nhằm kích cầu chi tiêu của người tiêu dùng cho đợt Tết Nguyên đán. Dịp này nhiều người cũng tranh thủ tìm kiếm công việc làm thêm nhằm mang lại thêm nguồn thu nhập.

Và đây cũng là cơ hội để các đối tượng lừa đảo trực tuyến trục lợi từ người nhẹ dạ, cả tin bằng rất nhiều chiêu trò tinh vi. Theo cảnh báo mới được phát đi từ Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), dịp cận Tết Nguyên đán 2024, trên không gian mạng đang xuất hiện rất nhiều chiêu trò lừa đảo với thủ đoạn vô cùng tinh vi và bài bản. Đồng thời đơn vị này cũng nêu ra 4 hình thức lừa đảo thường thấy nhất, mặc dù không mới nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy.

Tiêu biểu trong số này là bẫy “việc nhẹ lương cao” với đối tượng được ngắm đến là bà mẹ bỉm sữa, người thất nghiệp hoặc học sinh, sinh viên. Lời mời gọi của những kẻ lừa đảo cũng rất hấp dẫn khi chỉ cần thực hiện những công việc nhẹ nhàng như: cắt mác quần áo, bình luận PR sản phẩm, đánh văn bản… có thể mang về thu nhập từ 100.000 - 300.000/ngày. Và để lấy được tiền công, nạn nhân phải nạp vào tài khoản của kẻ lừa đảo một số tiền nhất định. Tất nhiên, sau khi đối tượng thực hiện hành động trên số tiền này sẽ ra đi mãi mãi.

Bên cạnh đó là những hình thức lừa đảo quen thuộc nhưng vẫn có khá nhiều người mắc bẫy như: mạo danh ngân hàng cho vay lãi suất thấp, rút tiền qua thẻ với chi phí thấp… Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân truy cập vào đường link, tin nhắn giả mạo để chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng. Hay như lập ra các trang mạng giả mạo đại lý bán vé máy bay để trục lợi từ những người có nhu cầu di chuyển đường dài với mức giảm giá “sốc” nhằm dụ dỗ nạn nhân.

Ngoài ra còn chiêu trò khá mới là lừa đảo đầu tư tiền kỹ thuật số với đối tượng được ngắm tới gồm các doanh nhân, chủ DN, hoa hậu, người đẹp, thậm chí là cả các cán bộ hưu trí… Hình thức lừa đảo này thường diễn ra phổ biến trên ứng dụng có tên Token Pocket. Bằng nhiều chiêu trò, các đối tượng sở hữu ứng dụng này đã lôi kéo và thu hút hàng chục nghìn người tham gia đầu tư, sau đó bất ngờ đóng tài khoản của nạn nhân để chiếm đoạt tiền.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn thông tin cũng đưa ra hàng loạt lưu ý nhằm giúp người dùng tự bảo vệ mình trước những cạm bẫy trên mạng dịp cận Tết. Đầu tiên là không nên ngay lập tức tin tưởng vào những lời mời gọi, quảng cáo hấp dẫn trên mạng, cần xác minh cụ thể thông tin và đặc biệt cần luôn đặt nghi ngờ với những trường hợp yêu cầu chuyển tiền hoặc ứng tiền trước. Cần kiểm tra qua nhiều nguồn trước khi thực hiện giao dịch nhằm tránh lừa đảo.

Đối với hình thức đầu tư tiền ảo, người dùng nên tìm hiểu kỹ về các sàn giao dịch, công ty đầu tư tiền kỹ thuật số. Nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo. Bên cạnh đó, người dùng cũng nên cẩn trọng với các khoản phí không rõ ràng hoặc quá cao so với thị trường thông thường.

Không chỉ vậy người dùng tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP … Liên tục cập nhật các kỹ năng, cảnh báo về vấn nạn lừa đảo được đăng tải thường xuyên trên báo chí hoặc cơ quan chức năng. Tự trang bị cho mình những kiến thức này chính là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước những bẫy lừa đảo trực tuyến.