Thế nhưng, bước vào giai đoạn 3 – giai đoạn duy trì thì vi phạm lại có chiều hướng tái phát.
Đây là việc đáng lo ngại, bởi sau một thời gian quyết liệt thực hiện Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội về việc tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn Hà Nội năm 2023, khẩu hiệu "giành lại vỉa hè cho người đi bộ" đã trở nên quen thuộc ở nhiều nơi. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP đã từng bước được cải thiện đáng kể. Do đó, khi bước vào giai đoạn 3, công tác quản lý trật tự đô thị được kỳ vọng tiếp tục gặt hái thêm những thành công.
Thế nhưng, khi giai đoạn 3 mới đi qua hơn chục ngày, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại một số khu vực, nhất là ở những tuyến đường nhỏ, khu tập thể cũ và xung quanh các trường học, bến xe… đã có dấu hiệu gia tăng.
Trước tiên phải khẳng định, không phải các lực lượng chức năng không biết đến sự tồn tại của vi phạm, không tiến hành kiểm tra, xử lý… nhưng việc kiểm tra, xử lý gặp những khó khăn nhất định bởi liên quan đến sinh kế của người dân. Sau một thời gian dài triển khai quyết liệt, cuộc sống của những người dân buôn bán kinh doanh ở khu vực vỉa hè đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại không ít nơi, chính quyền địa phương dường như đã lựa chọn phương án chỉ nhắc nhở, đẩy đuổi... lấy lệ. Đáng lo ngại hơn, vì biện minh cho những lý do này mà có nơi lại để vi phạm tồn tại gây bức xúc dư luận. Đơn cử, trên địa bàn một phường của quận Ba Đình, chính quyền sở tại dù đã biết đến sự tồn tại của bãi trông giữ phương tiện không phép, không đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy, mất an ninh trật tự... nhưng vẫn chưa đưa ra biện pháp xử lý dứt điểm.
Có thể nói, việc TP Hà Nội ban hành và triển khai Kế hoạch 01 về việc tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng là điều hết sức cần thiết nhằm xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Nhưng, để kế hoạch nêu trên không rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp đảm bảo cuộc sống của người dân. Như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý I/2023 vừa qua: “Lòng đường, vỉa hè thực tế là gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Cho nên, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch.
Từ thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch; từ thiếu công khai, minh bạch nên dân cứ tràn ra, tràn vào sau mỗi lần ra quân. Nên tôi đề nghị phải suy nghĩ các giải pháp căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. TP văn hiến, văn minh, hiện đại không thể cứ quanh năm đi dẹp vỉa hè, lòng đường”.
Vậy nên, Bí thư Thành ủy đã chỉ ra, giải pháp đầu tiên phải quan tâm thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể… Trước mắt có thể thí điểm làm trước một số khu vực ngay trong năm nay.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng, TP Hà Nội cũng cần có quy chế cụ thể, với phương châm "rõ người, rõ việc", gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp chính quyền sở tại trong vấn đề này.