Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Được, mất giảm thuế VAT

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhdothi - Bộ Tài chính vừa có Tờ trình gửi Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, Chính phủ đã đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm, kéo dài 6 tháng so với quyết định hồi cuối năm ngoái của Quốc hội. Chính phủ cho rằng để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, cân nhắc tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023. Đồng thời, cần nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2024.

Trong đó, tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2%, gia hạn một số loại thuế, giảm mức thu các khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm ngoái là cần thiết, để tiếp tục gỡ khó, hỗ trợ DN.

Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm 2% thuế VAT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Thời gian áp dụng từ 1/7 đến hết 31/12, kéo dài 6 tháng so với quyết định chốt cuối năm ngoái của Quốc hội.

Thông tin có thể được giảm thuế VAT đến cuối năm 2024 được các DN đón nhận tích cực. Thực tế, tác động của Covid-19 và ảnh hưởng của tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Việc giảm thuế sẽ gia tăng nguồn lực cho DN, nuôi dưỡng nguồn thu, quay lại đóng góp cho ngân sách.

Đồng tình với việc giảm thuế, tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, nên có đánh giá tổng thể về ảnh hưởng ngân sách và tình hình sức khỏe DN để có giải pháp phù hợp.

Báo cáo thống kê tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2024 của Bộ KH&ĐT cho thấy nhiều điểm tích cực từ: tốc độ tăng trưởng GDP; chỉ số giá tiêu dùng (CPI); tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa; tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, sau thời gian dài chống chịu với dịch Covid-19, DN trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp khó khăn. Số DN rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn DN, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; so sánh giữa số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số DN rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số DN giảm 14,1 nghìn DN, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn DN.

Theo Bộ Tài chính, việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ DN và người dân ổn định sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, trong giai đoạn 2020 - 2023, các giải pháp chính sách tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đã được ban hành với tổng trị giá của các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất) đã lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến, đối với những giải pháp đã ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là khoảng 68 nghìn tỷ đồng .

Về tác động đến ngân sách, chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2024 giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, trong lúc DN khó khăn nên cần giảm nhiều thuế hơn nữa là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, thực tế sau hàng loạt hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, sức khỏe DN đã phục hồi đáng kể. Do đó, việc kéo dài chính sách giảm thuế cần để đến thời điểm tháng 6 đánh giá lại tình hình DN.

Khi đó mới nên quyết định giảm hay không giảm. Mặt khác, để quyết định giảm thuế, đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ phải tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng để bảo đảm vừa hỗ trợ người dân, DN nhưng cũng phải cân đối ngân sách Nhà nước.