Ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 5/5 khẳng định, sẽ tiếp tục hợp tác với Nga trong nỗ lực tìm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng trong khu vực.
Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở London (Anh) diễn ra từ ngày 2 - 5/5. Ảnh: Tass |
Cuộc họp trực tiếp đầu tiên trong 2 năm qua của các ngoại trưởng G7, diễn ra tại London từ ngày 2- 5/5, do Vương quốc Anh chủ trì cùng đại diện các nước Anh, Đức, Italia, Canada, Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và An ninh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Nga trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực, các thách thức chung toàn cầu, bao gồm vấn đề biến đổi khí hậu; kiểm soát vũ khí, giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân; phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường môi trường ở Bắc Cực", tuyên bố chung được ngoại trưởng nhóm G7 thông qua hôm 5/5 nêu rõ.
Theo tuyên bố chung, các nước G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác ổn định với Nga.
Cũng theo tuyên bố, ngoại trưởng các nước G7 nhất trí mở rộng và tăng cường cơ chế phản ứng nhanh để sử dụng chống lại những mối đe dọa ví dụ như tình trạng tin giả. "G7 cam kết phối hợp cùng nhau để thể hiện khả năng lãnh đạo trên toàn cầu và có hành động phản ứng để vạch trần và ngăn chặn những nhân tố tìm cách phá hoại" - tuyên bố cho biết.
Các ngoại trưởng G7 cũng đề cập đến "việc huy động các lực lượng quân sự của Nga ở biên giới của Ukraine", cho rằng động thái này gây mất ổn định trong khu vực.
Các nước phương Tây đã nhiều lần bày tỏ quan ngại trước cáo buộc của Ukraine, khi nói rằng Nga đang tăng cường quân đội dọc biên giới nước này. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, việc di chuyển của quân đội Nga trên lãnh thổ Nga không ảnh hưởng đến an ninh của các quốc gia khác vì việc này không đe dọa họ dưới bất kỳ hình thức nào.
Nga đã liên tục bác bỏ các tuyên bố của phương Tây cho rằng các hành động của Moscow là khiêu khích nhằm chống lại các nước thứ ba, cũng như các cáo buộc về bất kỳ chiến dịch thông tin sai lệch nào.