Tờ The Economic Times đưa tin, nhóm 7 nước phát triển công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) dự kiến sẽ không cấm các doanh nghiệp đá quý Ấn Độ mua kim cương thô từ công ty khai thác mỏ Alrosa của Nga. Tuy nhiên, các nước G7 sẽ áp đặt biện pháp hạn chế đối với những viên kim cương được xử lý và đánh bóng có nguồn gốc từ Nga có trọng lượng từ 1 carat trở lên.
Tờ báo cho biết vào cuối tháng 9, đại diện các nước G7 đã đến thăm Mumbai và Surat để tìm hiểu về ngành công nghiệp đá quý và đồ trang sức của Ấn Độ, cũng như thảo luận về tác động nếu nhóm áp các lệnh cấm vận với kim cương thô nhập khẩu từ Nga.
Theo ông Anoop Mehta, Chủ tịch công ty Bharat Diamond Bourse ở Mummbai, nhóm G7 đang tìm giải pháp để giúp các doanh nghiệp đá quý Ấn Độ có thể tiếp tục nhập khẩu kim cương từ Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt.
Theo kế hoạch, các nước G7 và Ấn Độ sẽ xác định liệu cần áp dụng quy trình nào để theo dõi nguồn gốc kim cương trong giao dịch đá quý giữa Moscow và New Dehli. Dự kiến, đại diện hai bên sẽ có hai vòng đàm phán nữa trong thời gian tới trước khi G7 công bố chính thức lệnh cấm với kim cương Nga.
Các nước G7 và Liên minh châu Âu (EU) dự định cấm hoàn toàn việc mua kim cương từ Nga từ tháng 1/2024.
Một khi có hiệu lực, việc mua hàng sẽ chịu ảnh hưởng của lệnh cấm trực tiếp trong khi lệnh cấm vận gián tiếp sẽ được tiến hành sau đó.
Lệnh cấm gián tiếp sẽ đưa ra một hệ thống theo dõi bao gồm kiểm tra thực tế các gói hàng chứa đá quý và dữ liệu truy xuất nguồn gốc bắt buộc đối với các nhà sản xuất và kinh doanh kim cương. Biện pháp này được thiết kế để hạn chế hoạt động buôn bán xuyên biên giới đối với đá quý của Nga trong khi kim cương có nguồn gốc hỗn hợp cũng sẽ bị cấm khỏi thị trường G7.
Những nỗ lực trước đây nhằm trừng phạt đá quý của Nga ở châu Âu đã vấp phải sự phản đối từ các quốc gia nhập khẩu hàng đầu như Bỉ - nơi có trung tâm giao dịch kim cương lớn nhất thế giới ở Antwerp.
Chính quyền Brussels lập luận rằng một lệnh cấm đơn giản mà không có thỏa thuận toàn cầu sẽ chỉ chuyển hoạt động buôn bán đá quý sinh lợi sang nơi khác. Tuy nhiên, Bỉ cũng nêu phương án riêng nhằm hạn chế giao dịch kim cương Nga trên thị trường đá quý toàn cầu.
Theo đề xuất của Bỉ, nhóm G7 sẽ giới thiệu một hệ thống theo dõi kim cương, tương tự như hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Cơ chế này sẽ cho phép G7 ngăn chặn các giao dịch kim cương có nguồn gốc từ Nga trên thị trường G7.
Mỹ và Anh đã cấm nhập khẩu kim cương thô của Nga, mặc dù Washington vẫn cho phép nhập khẩu đá quý được khai thác ở Nga nếu chúng đã trải qua giai đoạn xử lý đáng kể ở các nước khác. Canada và New Zealand đã áp dụng các biện pháp tương tự chống lại công ty khai thác mỏ khổng lồ Alrosa của Nga.
Mặc dù vậy, hiện chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy việc các công ty Mỹ mua kim cương của Nga thông qua Ấn Độ sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt.
Công ty khai thác mỏ khổng lồ Alrosa hiện chiếm khoảng 30% thị phần kim cương toàn cầu và hơn 90% kim cương được cắt, đánh bóng ở Ấn Độ. Sau khi được gia công tại Ấn Độ, các viên đá quý sẽ nhận giấy chứng nhận từ cơ quan quản lý của quốc gia Nam Á.
Trên thực tế, Nga cũng đã chuyển hoạt động buôn bán kim cương của mình sang các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Armenia và Belarus. Trong khoảng thời gian gần đây, những thị trường này đều chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về kim cương thô và kim cương cắt từ Nga.