Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ga C9, đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo: Công khai quy hoạch để người dân góp ý

Đặng Sơn-Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện toàn bộ Dự án tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long -Trần Hưng Đạo chỉ còn ga ngầm C9 là chưa được phê duyệt.

Do đó, chủ đầu tư Dự án đã công khai toàn bộ Đồ án quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế ga ngầm C9 để có sự đánh giá khách quan nhất từ phía người dân cũng như các nhà khoa học.

 Quy hoạch mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
ĐẢM BẢO AN TOÀN VÀ HÀI HÒA CẢNH QUAN KHU VỰC
Hiện vẫn còn một số ý kiến lo ngại về vị trí đặt ga ngầm C9 và quá trình thi công có thể gây ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử trong khu vực. Liên quan đến vấn đề này, đại diện chủ đầu tư khẳng định, sẽ không để bất cứ một tác động tiêu cực nào ảnh hưởng đến không gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ven bờ hồ Hoàn Kiếm.
Vị trí then chốt

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu, việc bố trí các nhà ga ĐSĐT, theo nguyên tắc, khoảng cách không vượt quá 1km. Trên tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, ga C8 được đặt ở khu vực Bốt Hàng Đậu; ga C10 nằm tại khu vực phố Hàng Bài. Do đó, để đảm bảo khoảng cách và tạo thuận lợi cho việc di chuyển của người dân, ga C9 buộc phải đặt tại khu vực đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội.
"Theo kết quả phân tích, tính toán lún mặt đất và ảnh hưởng tới các công trình xây dựng hiện hữu trong khu vực do thi công hầm và ga ngầm C9 cho thấy ảnh hưởng rất nhỏ, độ lún không đáng kể, chỉ từ 0,5 - 0,8cm. " - Phụ trách Phòng thực hiện Dự án 2, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Hoàng Thanh Sơn
Mặt khác, vị trí ga ngầm C9 có liên quan chặt chẽ tới vị trí hướng tuyến hầm đường sắt qua ga và tại 2 đầu ga. Hướng tuyến hầm đã được thiết kế để tránh những ảnh hưởng không đáng có cho các công trình trên mặt đất và tránh phức tạp phát sinh khi thi công như các tòa nhà có kết cấu móng cọc bê tông cốt thép sâu và tránh công trình kiếm trúc văn hóa, lịch sử. Nếu dịch ga về phía đường Đinh Tiên Hoàng sẽ phải chuyển dịch cả hướng tuyến hầm qua ga và hướng tuyến hầm 2 đầu ga. Điều này sẽ dẫn tới việc ở phía Bắc tuyến hầm đi dưới Nhà hát Múa rối nước Thăng Long và đền Bà Kiệu hoặc sâu hơn vào khu dân cư có nhiều nhà cao tầng, phía Nam tuyến hầm sẽ đi sát dưới tòa nhà của UBND TP. Hộp thân ga sẽ phải dịch chuyển về phía Nam để đảm bảo nằm trên đoạn thẳng của tuyến, khi đó mức độ ảnh hưởng đến di tích sẽ nặng hơn vì dải đất ven hồ hẹp lại, đồng thời sẽ không có không gian bố trí công trình phụ trợ và cửa lên xuống.

Một số chuyên gia cho rằng, việc dịch ga sâu hơn về phía phố Đinh Tiên Hoàng sẽ gặp nhiều bất lợi cả về khía cạnh kỹ thuật xây dựng, cảnh quan văn hóa và làm gia tăng mức đầu tư. Ngoài ra còn ảnh hưởng tới an toàn của đền Bà Kiệu và Nhà hát Múa rối Thăng Long và làm phức tạp cho công tác thi công đường hầm.

Công trình cấp bách

Hà Nội hiện đang đối diện với nguy cơ gia tăng UTGT ngày càng nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là việc chậm phát triển mạng lưới vận tải công cộng, mà ĐSĐT giữ vai trò chủ đạo. Giám đốc Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải nhận định, ĐSĐT là xương sống của cả mạng lưới vận tải công cộng, có lợi thế tuyệt đối về khối lượng chuyên chở và tốc độ lưu thông. Chừng nào chưa có ĐSĐT, vận tải công cộng của Hà Nội còn phải vùng vẫy trong sự manh mún, rời rạc, khó đạt hiệu quả như mong muốn”. Ông Hải cũng cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ các tuyến ĐSĐT, trong đó có tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, HĐND TP vừa thông qua Nghị quyết số 04 về tăng cường quản lý phương tiện giao thông. Nếu không có ĐSĐT, thì sẽ khó thực hiện được mục tiêu hạn chế xe cá nhân vào năm 2030.
 Phối cảnh một cửa lên của nhà ga C9 trên đường Đinh Tiên Hoàng.
Phụ trách Phòng thực hiện Dự án 2, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Hoàng Thanh Sơn cho biết, ga ngầm C9 đã được nghiên cứu từ năm 2007, suốt 12 năm qua các bước chuẩn bị đầu tư, xây dựng quy hoạch cũng đã được làm rất tỉ mỉ, thận trọng. Tuy nhiên, chính vì kéo quá dài nên công trình ga ngầm C9 đang ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chung của Dự án tuyến ĐSĐT số 2. “Mục tiêu thông qua quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 đang đặt ra rất cấp bách. Không được phê duyệt vị trí và quy hoạch thì các bước lập thiết kế chi tiết, thi công… sẽ tiếp tục phải chờ, cũng có nghĩa là cả đoạn tuyến phải chờ” - ông Sơn cho hay.
Đại diện Chủ đầu tư cũng khẳng định, các phương án lựa chọn vị trí, biện pháp thi công ga ngầm C9 cũng đã được cân nhắc một cách vô cùng thận trọng; có sự tham vấn đầy đủ của các chuyên gia, nhà khoa học; 100% dân cư liên quan trong phạm vi Dự án cũng đã đồng thuận. TP cần có những biện pháp quyết liệt, thúc đẩy các bước tiếp theo để Dự án sớm được triển khai, đồng bộ toàn tuyến, đưa vào vận hành khai thác, đáp ứng sự mong mỏi của Nhân dân Thủ đô.

Mới đây nhất, ngày 12/12/2017, Phương án bố trí mặt bằng ga ngầm C9 cũng đã được đưa ra lấy ý kiến tại buổi làm việc giữa UBND TP Hà Nội và các nhà khoa học, sử học, kiến trúc sư. Thời gian tới, các nội dung, thông tin về vị trí, quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 cũng sẽ được trưng bày tại các địa điểm công cộng để lấy ý kiến người dân.


TỔNG THỂ CÔNG TRÌNH GA NGẦM C9

Trên toàn tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long -Trần Hưng Đạo có 7 ga ngầm; trong đó vị trí ga C9 được cân nhắc nhiều nhất vì nằm sát quần thể di tích đặc biệt hồ Hoàn Kiếm -Tháp Bút. 

Tuyến ĐSĐT số 2, Nội Bài - Thượng Đình là một trong 8 tuyến ĐSĐT chính của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được chia làm 3 đoạn, trong đó, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được đánh giá là cần nhiều nỗ lực thực hiện nhất do có tới 7 ga ngầm được đặt tại khu vực trung tâm TP. Phó Giám đốc Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết thêm: Theo quy định, các nhà ga ĐSĐT bên trong Vành đai 2 đều phải được làm ngầm. 

Ga ngầm C9 được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864,645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10m; tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83m; tới Tháp Bút khoảng 36m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120m.

Theo thiết kế ban đầu, ga ngầm C9 sẽ có 4 cửa lên xuống. Cửa số 1 và cụm công trình phụ trợ (tháp thông gió, làm mát, thang máy cho người khuyết tật…) được bố trí trong khuôn viên

Dự án đầu tư xây dựng tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là dự án trọng điểm quốc gia của TP Hà Nội, sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008. Chiều dài toàn tuyến khoảng 11,5km; đoạn trên cao dài khoảng 2,6km; đoạn ngầm dài khoảng 8,9km; khu Depot rộng 17,5ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.

Điểm đầu tuyến tại Khu đô thị Nam Thăng Long, theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối tại nút giao phố Huế - Nguyễn Du.

Toàn tuyến có 10 nhà ga gồm 3 ga, 7 ga ngầm. 3 ga trên cao là: C1 - Nam Thăng Long; C2 - khu Ngoại giao đoàn; C3 Tây Hồ Tây. 7 ga ngầm là: C4 - Bưởi; C5 - Quần Ngựa; C6 - Bách Thảo; C7 - Hồ Tây; C8 - Hàng Đậu; C9 - Hồ Hoàn Kiếm; C10 - Trần Hưng Đạo.

Tại cuộc họp ngày 24/6/2016, Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo nghiên cứu bố trí cửa số 3, ga ngầm C9 tại vị trí hiện đang đặt khu nhà vệ sinh và cửa hàng trên Bờ Hồ, bên cạnh đền Ngọc Sơn. Do khu nhà vệ sinh hiện tại nằm cách mép hồ Hoàn Kiếm chỉ khoảng 4m, không thuận lợi cho công việc xây dựng và vận hành công trình cửa lên xuống. Vậy nên, cổng số 3 đã được đề xuất dịch vào sát mép ga. Khu vực này có không gian đủ rộng để bố trí cửa lên xuổng với kích thước cửa 6,3 x 17m. Đường dẫn hành khách cửa số 3 dài khoảng 13,6m; khoảng cách từ cửa lên xuống số 3 tới hồ Hoàn Kiếm là khoảng 11m, tới đường Đinh Tiên Hoàng là 13,5m. Khu nhà vệ sinh và cửa hàng cũng sẽ được di chuyển xuống ga ngầm để đảm bảo mỹ quan khu vực mà vẫn phục vụ tốt người dân và du khách.

Tổng Công ty Điện lực Hà Nội hiện nay. Cửa số 2 bố trí phía trước Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc. Cửa số 3 đặt bên cạnh thân ga trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm. Cửa số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm tử, phố Hàng Dầu. 2 cổng lên xuống số 3, 4 sẽ được bố trí thang máy để phục vụ người dân còn các cổng số 1, 2 sẽ sử dụng thang bộ.

Ông Lê Trung Hiếu thông tin thêm, dù mới chỉ là quy hoạch tổng mặt bằng và sơ bộ thiết kế nhưng do vị trí ga C9 nằm giữa khu vực có nhiều công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử quan trọng bậc nhất của Thủ đô nên đã có tới 10 phương án được đưa ra so sánh, lựa chọn. “Nếu được thông qua vị trí và quy hoạch, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức thi tuyển để tìm kiếm phương án thiết kế chi tiết cuối cùng cho ga C9” - ông Hiếu cho hay.

Đại diện chủ đầu tư - Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, khu vực ga C9 có những công trình văn hóa lịch sử nổi tiếng như Tháp Bút, Đền bà Kiệu, tượng đài Cảm tử; Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, Nhà đèn Bờ Hồ Hoàn Kiếm, Vườn hoa Lý Thái Tổ; các công trình cơ quan Nhà nước và TP như: Tòa nhà UBND TP, Bưu điện TP... Phụ trách Phòng thực hiện Dự án 2, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Hoàng Thanh Sơn bày tỏ: “Vị trí này là nơi rất quan trọng và nhạy cảm của Thủ đô nên việc lập quy hoạch được tiến hành hết sức thận trọng với sự tham vấn, hỗ trợ của nhiều đơn vị trong và ngoài nước”.

Quá trình chuẩn bị đầu tư, từ 2007 - 2008 Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã phối hợp với đoàn nghiên cứu đặc biệt hỗ trợ hình thành dự án (SAPROF) thực hiện tham vấn cộng đồng dọc tuyến và chính quyền địa phương khu vực chịu ảnh hưởng của dự án, gửi hồ sơ tài liệu lấy ý kiến các bộ, ngành bằng văn bản. Từ năm 2009 - 2010, thông qua Dự án phát triển UMRT gắn kết phát triển đô thị do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ nghiên cứu, hướng tuyến, vị trí, quy hoạch phát triển các ga, các công trình liên quan đã được UBND TP Hà Nội thống nhất. Chủ đầu tư Dự án cũng đã lấy ý kiến và được Bộ VHTT&DL, Viện Khảo cổ học thống nhất với vị trí đặt ga C9.